Bão số 10 gây thiệt hại nặng ở miền Trung

Từ 15 giờ chiều 30/9, bão số 10, cơn bão mạnh nhất trong vòng 6 năm qua đã đổ bộ vào địa phận các tỉnh miền Trung.


Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, chiều 30/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác Chính phủ đã kiểm tra công tác triển khai phòng chống cơn bão số 10 tại tỉnh Quảng Bình.


Chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tính phức tạp cũng như khả năng gây thiệt hại nặng nề của cơn bão số 10. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương tiếp tục rà soát tất cả các vấn đề trong công tác ứng phó, nếu thấy chỗ nào thiếu lập tức điều lực lượng cần thiết để chống đỡ, khắc phục, giảm thiệt hại tối đa cho người dân.

Nhiều cây cối trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã bị ngã đổ. Phan Quân - Hoàng Ngà


Phó Thủ tướng chỉ đạo địa phương và lực lượng chức năng tiếp tục trực ban, nắm thông tin thường xuyên đối với đời sống người dân, vấn đề hồ chứa, cung cấp điện, đặc biệt là theo dõi chặt tình hình các huyện miền núi trong thời gian tới. Các thông tin sẽ được giao ban thường xuyên tại Ban Chỉ huy tiền phương để có biện pháp ứng phó, chỉ đạo kịp thời.


Sức tàn phá ngang với bão Xangsane


Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ chiều tối qua, do ảnh hưởng của bão số 10, đảo Cồn Cỏ, thành phố Đồng Hới cấp 12, Ba Đồn cấp 13. Các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50 - 120 mm; một số nơi có mưa lớn hơn Tân Mỹ (Quảng Bình) 177 mm, Ba Đồn 165 mm, Đồng Hới 200 mm. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 - 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13. Đêm qua, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị vẫn còn mưa vừa, mưa to đến rất to.


Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết, sức tàn phá của cơn bão này tương đương với cơn bão Xangsane năm 2006 (cơn bão này làm 59 người chết, 7 người mất tích, 527 người bị thương, thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng). Thậm chí, thời gian gió mạnh và mưa lớn trong cơn bão số 10 này còn kéo dài hơn.

 

* Cơn bão số 10 đổ bộ vào đất liền đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện ven biển tỉnh Hà Tĩnh. Bão số 10 đã xuất hiện mưa to đến rất to, kèm theo gió cấp 5 - 6, giật cấp 7, đến 13 giờ 30 gió tăng lên cấp 8 - 9, giật cấp 10. Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Kỳ Anh.


Tại huyện Kỳ Anh, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Công an, Huyện đội, bộ đội Biên phòng cùng với các ngành tổ chức sơ tán 10.951 người dân ở 7 xã ven biển, vùng bãi ngang, 8 xã vùng cửa sông, vùng có nguy cơ lũ quét đến nơi an toàn; giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, công trình, trường học,...

Nhà dân ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị tốc mái. Hồ Cầu-TTXVN


Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân dùng bao cát chèn lên các mái tôn, mái ngói để đề phòng lốc xoáy, gió mạnh; thực hiện phương án bảo vệ tài sản, tính mạng cho bà con khi di chuyển tránh trú bão; không để xảy ra mất cắp, mất trộm tài sản của ngư dân khi tàu thuyền vào tránh bão; phân công các lực lượng giám sát, lập chốt tại các ngầm, tràn xung yếu, nghiêm túc yêu cầu các phương tiện giao thông lưu thông khi không đảm bảo an toàn.
Đến 17 giờ chiều 30/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện Kỳ Anh cho biết, hiện tại chưa có thiệt hại về người. Tuy nhiên đã có 5 xã của huyện này bị ngập cục bộ là: Kỳ Thư, Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh... và đã có 278 nhà dân, các công trình trường học, trụ sở, trạm y tế, bưu điện văn hóa xã bị tốc mái... hàng trăm cây cối bị đổ. Đặc biệt, có 2 thuyền gỗ ở xã Kỳ Lợi bị sóng đánh trôi do bị đứt dây néo.

Theo cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn Bộ đội Biên phòng, tính đến ngày 30/9, Biên phòng các tỉnh đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.202 phương tiện/302.938 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.

 

* Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 30/9, cơn bão số 10 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình. Đây là cơn bão được đánh giá là lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Trong vòng khoảng 3 giờ đồng hồ càn quét, cơn bão đã gây rất nhiều thiệt hại cho tỉnh này.


Tại thành phố Đồng Hới, nhiều tuyến đường đã bị chìm sâu trong nước. Nhiều cây xanh đổ ngổn ngang gây ách tắc giao thông. Hàng trăm biển hiệu quảng cáo đổ ập xuống cùng với nhiều mái ngói, mái tôn nhà dân, công sở bị xô lệch, xé vụn. Tất cả tạo nên một khung cảnh tan hoang như chưa từng có ở đây.

Cột thu phát sóng của Đài phát thanh Đồng Hới (Quảng Bình) bị đổ.
Mạnh Thành


Tại phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, lúc 16 giờ 15 phút, cột thu phát sóng Đài phát thanh Đồng Hới thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, cao 142 m đã bị bão uốn cong và xô ngã đè lên trụ sở hai tầng của đơn vị này và làm đổ thêm một số nhà dân ở gần kề. Theo thông tin ban đầu, trong vụ tai nạn này đã có 2 người chết, 1 người bị thương. Trong đó, hiện một người vẫn chưa lấy được xác do khối lượng sắt thép, tường bê tông của vụ tai nạn quá lớn đè lên.


Thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, trong buổi chiều qua, có ít nhất 6 bệnh nhân phải nhập viện do bão gây ra.

 

* Ngay sau khi bão số 10 đổ bộ vào đất liền đã gây ảnh hưởng nặng về người, tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.


Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, sau khi bão số 10 vào đất liền trên địa bàn tỉnh đã làm 12 người bị thương, hơn 6 nghìn ha cây cao su tiểu điền từ 5 đến 7 năm tuổi bị ngã đổ hoàn toàn, hàng nghìn nhà dân bị tốc mái. Đặc biệt, tại khu vực đảo Cồn Cỏ, đến 14 giờ chiều cùng ngày đã có gió to cấp 12, cấp 13, làm toàn bộ nhà của nhân dân cũng như các cơ quan, đơn vị trên đảo bị tốc mái, hư hỏng, nhiều cây cối ngã đổ. Tại địa bàn thành phố Đông Hà và các huyện, thị như: Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, gió giật mạnh, mưa to đã khiến một số tuyến đường nội thị, liên huyện bị ngập. Đường diện 110 KV bị sự cố khiến toàn tỉnh Quảng Trị bị mất điện từ 12 giờ trưa 30/9. Đồng thời, mọi thông tin liên lạc (qua điện thoại) giữa huyện đảo Cồn Cỏ với đất liền đều bị gián đoạn.

Cây xanh ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) bị gẫy đổ hàng loạt.


Để khắc phục hậu quả của bão số 10, tỉnh Quảng Trị đã huy động các lực lượng quân đội, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, y tế gồm hơn 6.200 người với 70 xe ô tô các loại, 52 tàu tham gia ứng cứu, chủ động trong mọi tình huống khẩn cấp, giúp đỡ người dân trú ẩn, tránh bão, đảm bảo an ninh trật tự, tài sản cho nhân dân...


Hàng chục nghìn người dân phải sơ tán


Trước đó, các tỉnh miền Trung đã tiến hành các biện pháp ứng phó với siêu bão này, đáng chú ý là việc sơ tán hàng chục nghìn người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, các tỉnh, thành phố khu vực ảnh hưởng của bão từ Quảng Ninh đến Bình Định đã triển khai nghiêm túc công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống bão số 10. Cụ thể, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng đã tổ chức họp và phân công các thành viên hoặc thành lập các đoàn công tác xuống các địa bàn trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc công tác ứng phó với bão.


Tỉnh Nghệ An chỉ đạo việc cấm tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi. Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành lệnh sơ tán 22.465 người dân trước 6 giờ sáng qua tại 6 huyện, thành phố ven biển. Tỉnh Quảng Bình có lệnh cấm biển, các tàu thuyền đã được neo đậu tại nơi tránh trú; chỉ đạo cho các huyện, thành phố căn cứ tình hình thực tế để chủ động sơ tán dân khu vực ven biển và những nơi không đảm bảo an toàn (6.111 hộ/27.148 người). Tỉnh Quảng Trị sơ tán dân tại các vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất trước 12 giờ trưa hôm qua. Cũng trong sáng qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán 2.884 hộ với hơn 11.561 người dân từ vùng sạt lở, vùng ven biển đến nơi an toàn... Học sinh các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng nghỉ học từ 30/9 để tránh bão.


Cẩn trọng với lũ lên nhanh


Do ảnh hưởng mưa của bão số 10, từ ngày hôm qua, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh) và các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3; hạ lưu sông La, các sông ở Nghệ An và Thừa Thiên - Huế lên mức báo động 1 - báo động 2, có nơi trên báo động 2. Trên các sông Nam Bộ, do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 3/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,3 m (dưới báo động 3 là 0,2 m); tại Châu Đốc ở mức 3,55 m (trên báo động 2 là 0,05 m); tại các trạm chính vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức báo động 2, có nơi trên mức báo động 2.


Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Đà Nẵng chủ động đối phó với mưa lũ do bão gây ra, đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Đặc biệt đối với 31 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các địa phương phải tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ tại công trình, chuẩn bị vật tư dự phòng để kịp thời ứng cứu khi tình huống xấu xảy ra. Cụ thể đó là các hồ chứa: Đồng Bể, Kim Giao (Thanh Hóa); Khe Sặt, Thanh Thủy, Khe Xiêm, Khe Làng (Nghệ An); Cha Chạm, Thùng Trứa, Khe Vôi, Đập Làng, Đập Trạng, Đập Họ, Đập Mưng, Nước Xanh, Khe Chẹt, Bãi Trạng, Bượm, Đá Bạc, An Hùng (Hà Tĩnh); Khối 7, Trằm Bưởi, Khe Lau, Mụ Huyện, Trọt Giếng, Trọt Đâu - Trọt Đen (Quảng Trị); Hòa Mỹ (Thừa Thiên - Huế); An Long (Quảng Nam); Cây Khế, Đá Bàn, Tôn Dung (Quảng Ngãi).


“Bão số 10, sau khi đổ bộ vào miền Trung nước ta đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến sáng sớm nay, áp thấp nhiệt đới này ở trên khu vực trung Lào. Hôm nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn còn mưa to; riêng các tỉnh Trung Trung Bộ ngớt mưa, nhưng đến chiều nay nhiều khả năng sẽ có mưa to trở lại” - ông Bùi Minh Tăng nhận định.


Huyền Tím - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN