Năm 2012, số vụ tai nạn lao động tăng, số người tử nạn tăng. Mổ xẻ căn nguyên dẫn đến thực trạng trên, từ đó tìm hướng khắc phục để bảo vệ tính mạng và cải thiện sức khỏe cho người lao động là những công việc đặc biệt cấp bách đối với các doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan.
Nâng cao chất lượng đội ngũ an toàn vệ sinh viên
Theo ông Nguyễn Trung Sơn (ảnh), Phó Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - TLĐ), việc phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ an toàn vệ sinh viên là một trong những giải pháp được TLĐ chú trọng hàng đầu để góp phần ngăn ngừa tai nạn lao động từ cơ sở.
Thưa ông, TLĐ đang có những biện pháp gì để góp phần bảo đảm an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động?
Trong các thời kỳ, việc chăm lo bảo vệ quyền lợi của người lao động nói chung, trong đó có quyền lợi được làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn được TLĐ đặt lên hàng đầu.
TLĐ thường xuyên phát động phong trào “Xanh - sạch - đẹp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phát triển mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cơ sở. Đây là lực lượng nòng cốt phát hiện ra ngay từ đầu những yếu tố nguy cơ gây tai nạn lao động tiềm tàng tại các cơ sở sản xuất.
Cả nước hiện có trên 140.000 an toàn vệ sinh viên. Họ là người lao động sản xuất trực tiếp ở doanh nghiệp. Ít nhất mỗi tổ sản xuất phải có 1 an toàn vệ sinh viên. Hiện nay, đội ngũ này được hưởng phụ cấp như tổ trưởng tổ sản xuất. Hiện nay, TLĐ đang cố gắng phát triển cả về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Bên cạnh đó, TLĐ đang xây dựng bộ tài liệu khung để huấn luyện cho cán bộ công đoàn và mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
Để nâng cao nhận thức cho an toàn vệ sinh viên, người lao động và cán bộ công đoàn, TLĐ đa dạng hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp cho họ những kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, phương pháp tổ chức hoạt động cho người lao động tự cải thiện điều kiện lao động tại cơ sở, xây dựng các “Góc bảo hộ lao động”. Từ năm 2008 đến nay, cả nước xây dựng được 29 “Góc bảo hộ lao động”.
Lâu nay, TLĐ là một trong những thành viên của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động, tích cực phối hợp với các địa phương, các ngành trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Theo ông, chất lượng hoạt động của đội ngũ an toàn vệ sinh viên thời gian qua như thế nào?
Thực ra, việc đầu tư của doanh nghiệp cho đội ngũ này còn rất “khiêm tốn”, nhiều doanh nghiệp thành lập đội ngũ này “cho có”, chứ chưa có sự đầu tư về chiều sâu. Việc trang bị các kiến thức chuyên môn cho họ thì doanh nghiệp phó mặc cho công đoàn.
Thời gian qua, ngoài kinh phí của TLĐ, chúng tôi còn khai thác nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để đào tạo, nâng cao trình độ cho an toàn vệ sinh viên. Đơn cử, chúng tôi phối hợp với Nhật Bản để xây dựng, đào tạo các giảng viên nguồn cho đội ngũ này. Từ năm 2004 đến năm 2010, chúng tôi đào tạo được khoảng 140 giảng viên nguồn cho những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng...
Lực lượng thanh tra lao động, đặc biệt là mảng an toàn, vệ sinh lao động, cán bộ làm công tác kiểm tra của tổ chức công đoàn hiện rất mỏng. Vì thế, số lượng cuộc thanh tra được tiến hành không nhiều. Do vậy, không thể tổ chức kiểm tra thường xuyên, liên tục ở khắp các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động nên chúng tôi dựa vào lực lượng này.
Lực lượng an toàn vệ sinh viên đã đưa ra nhiều sáng kiến giúp người lao động có thể tự ngăn ngừa tai nạn lao động tại nơi làm việc. Vì thế, đầu tư cho đội ngũ này rất quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Mạnh Minh