Bản Rào Tre và vòng tay vun xới

Không thơ mộng như nhiều bản làng các dân tộc miền núi phía Bắc, cũng không hùng vĩ như nhiều bản làng dân tộc Tây Nguyên, bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) được mọi người biết đến là một bản làng khó khăn bậc nhất Việt Nam. Nơi có tộc người mà tên gọi có lẽ vẫn còn rất xa lạ với nhiều người - dân tộc Chứt.

 

Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, sau khoảng hai tiếng đồng hồ ô tô chạy chúng tôi cũng đến được với Rào Tre. Bản Rào Tre nằm lọt thỏm trong thung lũng bao bọc bởi ngọn núi Ka Đay và thượng nguồn dòng sông Ngàn Sâu thơ mộng. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Rào Tre là bản rất đặc trưng: Một bản nghèo nhưng rất yên bình và mộc mạc. Thoạt nhìn bản làng khiến người ta liên tưởng đến bản người Thái ở Tây Bắc, nhưng thưa thớt hơn. Cả bản người Chứt gói gọn trong con số 138 khẩu chung sống trong 33 hộ. Đây là một trong số ít bản làng 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân nơi đây hiền lành, thân thiện, thậm chí còn chút nhút nhát khi thấy người lạ.


Trẻ em bản Rào Tre giờ đây đã biết đọc, biết viết.


Dưới thời thực dân Pháp, người Chứt bị miệt thị là "Xá lá vàng". "Xá" chỉ những tộc người lạc hậu; "lá vàng" chỉ cuộc sống di cư, người Chứt thường chỉ sống tại một địa điểm trong những túp lều lợp bằng lá cây khoảng vài ngày cho đến khi lá chuyển sang màu vàng thì bỏ đi nơi khác. Bản thân chữ "Chứt" cũng được hiểu là hang đá, nơi trú ngụ của người Chứt. Với trình độ sản xuất thấp, người Chứt không biết dệt vải. Vào mùa hè nam giới Chứt đóng khố và cởi trần còn phụ nữ Chứt mặc váy. Mùa đông, họ mặc áo làm bằng vỏ cây. Điểm đặc biệt còn hiện hữu cả trong những món ăn rất kì lạ của đồng đào. Thức ăn chính trong ngày của đồng bào dân tộc Chứt được chế biến chủ yếu từ củ nâu, củ mài, măng, ếch và nhái. Ếch và nhái thường được phơi khô, sấy bằng khói để ăn dần. Bên cạnh đó, người Chứt còn có món canh bồi. Món này được chế biến từ măng nứa ngâm nước, cho vào một ít bột gạo và thịt nhái rồi hầm lên như nấu cháo. Khi tò mò hỏi về món ăn này, những cán bộ Trạm biên phòng ở đây bảo rằng đó là những món ăn hàng ngày trước đây của người Chứt, với những người ngoài tộc không dễ gì quen được với những món ăn này. Tuy nhiên, từ ngày ra bản mới sinh sống, người Chứt đã biết cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi gà, lợn, đời sống khá lên nhiều. Trong nhà giờ đã có nhiều loại lương thực dự trữ và người dân bản không phải dùng những món ăn giống như ngày còn ở trong hang nữa.

Năm 1992, các nhà dân tộc học Việt Nam đã xác định nhóm người bí ẩn ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh là tộc người Chứt. Tộc người Chứt vốn sinh sống trong những cánh rừng sâu giữa đại ngàn, ở các hang đá của dãy Trường Sơn. Năm 2001, được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là Đồn biên phòng 575, tộc người Chứt tưởng chừng sắp biến mất này đã được đưa ra khỏi rừng và thành lập bản Rào Tre…


Về bản Rào Tre những ngày này, nhìn những ruộng lúa xanh ngát, gà lợn từng đàn trong sân vườn, chúng tôi thực sự cảm nhận được sức sống mới nơi đây. Một thế hệ mới của người Chứt đã và đang lớn dần lên dưới sự che chở, vun xới của cả cộng đồng. Với nhiều thành viên trong đoàn thì về với bản Rào Tre không chỉ là dịp trải nghiệm thực tế mà còn giúp họ hiểu đầy đủ hơn về đời sống của đồng bào dân tộc Chứt để chia sẻ, để giúp đỡ.


Về Rào Tre công tác từ năm 2008, Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ cắm bản là một trong những người được bà con dân tộc Chứt nơi đây tin yêu. Hằng ngày anh cùng các chiến sĩ biên phòng trong tổ cắm bản hướng dẫn người dân trồng lúa nước, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn gà… Thiếu tá Dương Thanh Tịnh nhớ lại: Ngày tôi mới đến đây, cuộc sống của người dân bản Rào Tre còn khó khăn lắm. Khi đó mọi thứ với họ đều mới lạ. Trồng lúa nước, học chữ, học hát, nói điều hay và làm việc tốt… những việc rất đơn giản với mọi vùng quê, thì ở đây đồng bào dân tộc Chứt đều phải học, phải ghi nhớ và tập làm. Đến nay, người dân trong bản đã biết trồng lúa nước, biết chăn nuôi lợn, gà và trẻ em đã được học hành. Tổng diện tích đất sản xuất của đồng bào trong bản là 4 ha, đất ở 3 ha. 100% hộ đã có ti vi, đầu đĩa, trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

Vừa qua, báo Tin Tức đã phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Dương thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng vùng khó” tổ chức chuyến thăm và tặng 200 hộp sữa XO trị giá trên 80 triệu đồng cho đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, nhằm chia sẻ một phần khó khăn với đồng bào dân tộc nơi đây.


Anh Hồ Thế, người dân bản Rào Tre xúc động cho biết: Từ khi chuyển ra bản Rào Tre sinh sống, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự hướng dẫn, thương yêu đùm bọc của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, cuộc sống của người dân bản Rào Tre đã đổi khác, hầu hết các gia đình đã thoát cảnh đói nghèo và đã có tích lũy. Chúng tôi mang ơn mọi người và Bộ đội Biên phòng nhiều lắm.


Cũng theo Thiếu tá Tịnh, hiện nay do số hộ dân và nhân khẩu của đồng bào Chứt tại bản Rào Tre đang tăng lên, trong khi đó diện tích đất sản xuất và đất ở rất hạn hẹp, đa phần là núi rừng. Vì vậy, Đồn biên phòng 575 đang kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép được mở rộng diện tích để giãn dân và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở, giúp bà con tự trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc...


Rời Rào Tre, mỗi người một tâm trạng. Chuyến đi ngắn ngủi chưa kịp để chúng tôi hiểu hết được con người nơi đây, nhưng tôi tin rằng với sự tiếp sức của cộng đồng người dân Hà Tĩnh, của những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng, chắc chắn trong thời gian không xa bản Rào Tre sẽ phát triển.



Bài và ảnh:Lê Sơn

“Đồng hành cùng vùng khó” đến với đồng bào dân tộc Chứt
“Đồng hành cùng vùng khó” đến với đồng bào dân tộc Chứt

Báo Tin Tức (Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Dương vừa tổ chức chuyến thăm và tặng quà là 200 hộp sữa XO trị giá trên 80 triệu đồng cho đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN