Thời gian gần đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong, ngoài nước và cả trong một số cuộc họp, hội thảo khoa học xuất hiện nhiều ý kiến về cải cách khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong sự đa dạng và nhiều chiều của các ý kiến này, dường như cho thấy có sự ngộ nhận đáng tiếc về các vấn đề liên quan đến KTNN và DNNN... Dưới đây là ba ngộ nhận điển hình cần lưu ý:
Đồng nhất về tên gọi, nội hàm và vai trò chủ đạo của KTNN với DNNN
Cả trong văn nói và văn viết, nhiều ý kiến chưa phân biệt tên gọi KTNN và DNNN, mà thuờng dùng chung và đánh đồng chúng với nhau. Từ đó dẫn đến sự ngộ nhận lớn là đồng nhất vĩnh viễn, cứng nhắc vai trò chủ đạo đương nhiên của KTNN với vai trò tương tự của DNNN; hơn nữa, hiểu cứng nhắc khái niệm chủ đạo trong nền kinh tế trước và sau Đổi mới, kéo theo những tranh luận “vô tiền khoáng hậu” về cách hiểu này.
Chế biến thực phẩm tại Công ty CP Chế biến xuất khẩu Cầu Tre (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn). Thanh Vũ - TTXVN |
Trước hết, cần khẳng định về tên gọi, KTNN khác DNNN và nội hàm của KTNN rộng hơn và bao quát, trong đó DNNN chỉ như một bộ phận.
Nghị định 99/2012/NĐ - CP khẳng định, Chính phủ thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Nhà nước chỉ đầu tư vốn, tài sản vào doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực, khâu then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để KTNN thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Với giá trị to lớn về tài sản vật chất và phi vật chất đó, có thể nói, vai trò chủ đạo của KTNN là đương nhiên, không thể phủ nhận và không thể thay thế bởi bất kỳ thành phần kinh tế phi nhà nước nào khác. Hơn nữa, trước Đổi mới, chỉ có thành phần KTNN là chủ yếu, nên DNNN cũng đồng thời có vai trò chủ đạo trong khu vực doanh nghiệp xã hội. Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế đa thành phần và quá trình hội nhập, các DNNN sẽ ngày càng giảm dần vai trò chủ đạo theo nghĩa truyền thống. Đồng thời, vai trò chủ đạo của KTNN, do đó, của DNNN đang có sự biến đổi theo hướng, từ chủ đạo tuyệt đối về lượng, lĩnh vực kinh doanh, sang chỉ chủ đạo trong lĩnh vực mà tư nhân không thể, không muốn đảm nhiệm và Nhà nước cần độc quyền.
Nói cách khác, DNNN ngày càng giảm dần vai trò của mình trong nền kinh tế vì lợi nhuận, ngày càng thu hẹp sự chủ đạo từ phạm vi toàn bộ nền kinh tế chỉ còn vào một số lĩnh vực, ngành kinh tế chủ chốt. Đồng thời, vai trò chủ đạo của khu vực KTNN trong thời gian tới cũng cần được nhấn mạnh vào các nội dung và mục tiêu: Nắm giữ các tài sản, tổ chức các hoạt động độc quyền thuộc lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động giữ vững các cân đối cơ cấu lớn, liên ngành, cấp quốc gia và ở địa phương, địa bàn cần thiết; chủ động và trực tiếp đảm nhận đầu tư vào những dự án, địa bàn không hấp dẫn hoặc cần thiết để định hướng, mở rộng đầu tư phát triển từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Đồng nhất cơ chế quản lý DNNN giữa nhiệm vụ kinh doanh vị lợi nhuận với nhiệm vụ công ích
Khác với các hoạt động kinh tế khác, hoạt động kinh tế của Nhà nước, và do đó của DNNN, luôn có 2 mục tiêu với 2 tính chất khác nhau, đó là mục tiêu kinh doanh thông thường như các DN khác, và mục tiêu công ích đặc trưng riêng có của mình. Vì vậy, cần xác định rõ theo các hệ tiêu chí đồng bộ và khoa học về tính chất kinh doanh và tính chất công ích của DNNN; từ đó làm rõ cơ chế quản lý phù hợp đáp ứng mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn; khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, cũng như giữa trách nhiệm xã hội của các tập đoàn KTNN đối với ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả.
Đây cũng là điểm nút để giảm thiểu sự nhập nhằng, mù mờ hoặc lạm dụng trong hạch toán và đánh giá các hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh của các DN trong thực tiễn cả quản lý nhà nước, cũng như sự hoạt động tự chủ của DNNN, khiến các DNNN không hoạt động hiệu quả như mong muốn và tiềm năng, nhất là đối với các DNNN thuộc lĩnh vực độc quyền cao. Đồng thời, sự bình đẳng giữa các DNNN với các DN khác ngày càng được khẳng định theo Luật Doanh nghiệp đối với các hoạt động kinh doanh, hoặc theo Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công (đang được xây dựng), với yêu cầu ngày càng mở rộng sự tham gia của các DN khác vào thực hiện các hoạt động công ích được tài trợ bằng nguồn vốn NSNN theo nguyên tắc khuyến khích đấu thầu công khai và bình đẳng, giảm thiểu tình trạng khép kín, sự chi phối của lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ... như tinh thần Nghị quyết Hội nghị TW3 Đại hội XI đã chỉ rõ.
Định hướng đổi mới và yêu cầu tăng cường quản lý DNNN trong thời gian tới đã được khắc họa khá sâu sắc trong Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17/7/2012, và Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 kèm theo Quyết định số 339/QĐ - TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19/2/2013.
Theo đó, sẽ đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường với các DNNN; thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy, khuyến khích bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và phù hợp cam kết hội nhập, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển; đồng thời, có biện pháp tích cực ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường; thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát...
Đồng nhất cải cách DNNN với làm suy yếu khu vực DNNN và KTNN
Dù có xu hướng ngày càng giảm thiểu, thu hẹp, song như kinh nghiệm thế giới chỉ ra, tái cơ cấu và đổi mới quản lý DNNN trong bối cảnh mới không phải là làm suy yếu và dần xóa bỏ triệt để các doanh nghiệp và khu vực kinh tế này, mà là làm cho chúng ngày càng hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế quốc gia theo nguyên tắc quản lý kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tính đến tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 17 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quan trọng (TCT 91); đã phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015. Số lượng DNNN đã giảm mạnh, đến đầu năm 2013 cả nước còn 1.284 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Hiện có gần 50% số địa phương không còn DNNN kinh doanh thuần túy. Sự tham gia của khu vực tư nhân vào các công ty cổ phần hỗn hợp nhà nước - tư nhân tăng mạnh. Năm 2012 cả nước có trên 1.900 công ty cổ phần có cổ phần nhà nước chiếm trên 50% tổng số cổ phần phổ thông phát hành tại thời điểm cổ phần hóa.
Tuy nhiên, khu vực DNNN vẫn đang chiếm tới 45% tổng vốn đầu tư, 70% viện trợ phát triển chính thức và sử dụng 60% vốn vay từ các ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 30% GDP hàng năm.
Trong triển vọng, có thể và cần giảm tỷ trọng của DNNN trong GDP từ mức khoảng 30% GDP hiện nay xuống còn khoảng 10 - 15% GDP; đẩy nhanh hơn tốc độ cổ phần hóa và không nên để quá nhiều DNNN nắm cổ phần quá cao.
Theo thống kê chung trên thế giới, ở các nước, Chính phủ chỉ giữ 20% vốn tại DNNN và khu vực DNNN chỉ chiếm khoảng 5 - 20% GDP...
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong