Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT, cho biết, thời gian qua, Sở KH&CN Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên đã chú trọng đầu tư kinh phí cho sự nghiệp phát triển cây cà phê từ khâu chọn giống đến khâu trồng, chăm sóc cho đến khi thành phẩm thương mại hóa.
Không chỉ mở các lớp tập huấn cho bà con dân tộc về chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê, Sở còn tổ chức hàng chục hội nghị đầu bờ cho đồng bào, cử cán bộ kỹ thuật xuống vườn làm mẫu cho bà con nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho cây cà phê. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng đến việc bảo quản sau thu hoạch để tăng giá trị cho cây cà phê.
Ông Y Ghi Nê, Giám đốc Sở KH&CN Đắk Lắk chia sẻ: Khoa học công nghệ giữ vai trò chủ lực và nòng cốt, nhưng trong hành trình ứng dụng khoa học công nghệ cho cây cà phê còn gặp nhiều khó khăn do tiềm lực của ngành KH&CN còn khiêm tốn, do vậy Đắk Lắk đang xây dựng chương trình phối hợp giữa các ban, ngành trong tỉnh để đẩy mạnh công tác chuyển giao, phát triển cây cà phê để sản phẩm cà phê Đắk Lắk có chỗ đứng bền vững trên thị trường quốc tế.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn nhất cả nước với khoảng 175.000 ha. Sản lượng cà phê tại Đắk Lắk cùng với khu vực Tây Nguyên đã góp phần đưa sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam giữ vị trí thứ hai trên thế giới.
Hoàng Linh