Trẻ em ở làng Dùm, tổ 19, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang phải học dưới ánh đèn pin. Ảnh: Văn Tý/TTXVN |
Khó khăn về địa hình cùng thiếu thốn điện, đường đã khiến làng Dùm gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài giữa lòng thành phố.
Men theo con đường đất đá gồ ghề dài hơn 7km, làng Dùm thuộc tổ 19, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, nằm lọt giữa dãy núi Dùm um tùm rậm rạp. Làng Dùm có 43 hộ dân với 174 nhân khẩu.
Đây là nơi sinh sống của 3 dân tộc anh em, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao Quần trắng. Làng Dùm được “lên phố” khi sáp nhập từ xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn vào tổ 19 phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang. Nhưng 20 năm nay, làng Dùm chưa một lần thấy ánh sáng của lưới điện quốc gia.
Bà Vũ Thị Thu, cán bộ Mặt trận tổ quốc Tổ dân phố 19, phường Nông Tiến, cho biết: Cuộc sống bà con ở đây gặp nhiều khó khăn. Những năm trước dân dùng toàn bộ bằng đèn dầu. Do đường sá xa xôi khó đi nên sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra cũng bị thương lái ép giá. Không có điện, người dân cũng không xem được tivi, mọi tin tức về thế giới bên ngoài gần như mù tịt, nhận thức của bà con cũng bị hạn chế.
Người dân ở làng Dùm, trong đó có rất nhiều em nhỏ đã sống bằng “phản xạ” mỗi khi đêm xuống. Hơn 4 giờ chiều, nhưng bên trong căn nhà tranh của gia đình chị Trần Thị Khoa đã nhìn không rõ mặt người. Chồng đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có chị và hai cậu con trai đang học tiểu học.
Khi đêm xuống, đồ vật quý giá nhất trong căn nhà này là 2 bóng đèn quả nhót. Một bóng được đấu vào 3 quả pin làm đèn chiếu sáng, bóng còn lại cắm vào cục sạc điện làm đèn học cho hai cháu nhỏ. Gọi là đèn nhưng thực sự có cũng như không.
Khi được hỏi về việc sinh hoạt ăn uống cũng như học tập của các cháu, chị Khoa nghẹn ngào: "Về làm dâu ở đất này được 15 năm, chị cũng dần quen với cái khổ không đường, không điện, nhưng chỉ tội cho bọn trẻ; mong sao có được điện lưới quốc gia để con có cái bóng đèn học, có ti vi xem, có quạt mát".
Bên chiếc đèn học lỏng lẻo, chập chờn, bé Tài là con út của chị, tay giữ chắc ngọn đèn cho anh đọc bài, ngẩng lên nói với chúng tôi: "Con muốn có đèn sáng để học bài".
Tại làng Dùm có 2 phân hiệu trường học cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, phân hiệu này chỉ có đến lớp 4. Từ lớp 5 trở đi, các em sẽ phải ra điểm trường cách làng hơn 7 cây số để học. Đường đến với “con chữ” của những em nhỏ nơi đây khó khăn chồng chất khó khăn.
Để khắc phục khó khăn về nguồn điện, một số gia đình có điều kiện đã mua máy phát điện, một số tận dụng dòng chảy của suối làm thủy điện, số còn lại thì dùng đèn dầu, đèn pin… để chiếu sáng.
Gia đình chị Lê Thị Lịch là hộ hiếm hoi có điện dùng, cuộc sống của gia đình chị cũng đã thay đổi nhiều. Chị Lịch chia sẻ: "Gia đình vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng thương các cháu, muốn con cái có điện để học hành, để theo dõi các tin thời sự trên tivi, nên cũng cố gắng mua cái máy phát điện. Có điện con cái phấn khởi, chăm chỉ học hành, gia đình cũng theo dõi được các thông tin xã hội bên ngoài".
Tính đến thời điểm hiện tại, làng Dùm chỉ có 6 hộ có máy phát điện và 1 hộ làm thủy điện. Nhưng nguồn nước ngày một thấp và giá thành nhiên liệu để sử dụng cho máy phát điện cao nên để duy trì việc dùng điện là rất khó khăn.
Ông Phùng Văn Vân, Bí thư Đảng ủy phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang cho biết: Trước khó khăn của 42 gia đình tại làng Dùm, chính quyền phường Nông Tiến đã có những chính sách cụ thể giúp bà con như: Ưu tiên các hộ làng Dùm trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng; lập 1 đội cán bộ khuyến nông trực tiếp vào hướng dẫn bà con làm nông nghiệp; hỗ trợ vật chất, kinh phí cho một số hộ đặc biệt khó khăn xây cất nhà cửa...
Tỉnh cũng triển khai dự án làm đường cho bà con làng Dùm nhưng trong quá trình thi công xảy ra bão lũ, nhiều khu vực bị sạt lở nên buộc phải dừng lại. Thời gian tới, chính quyền và nhân dân phường Nông Tiến mong muốn được sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền, trước mắt là hoàn thành con đường vào Dùm, sau đó là mang ánh sáng đến với bà con.
Xã hội ngày phát triển, người ta nhắc đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ… nhưng tại làng Dùm, một tổ dân phố vùng ven thành phố Tuyên Quang có lẽ đó là những ước mơ xa vời. Bởi với họ, điều kiện sống tối thiểu là có đường, có điện vẫn chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực.