Đây là ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên trên địa bàn. Hai ổ dịch được hộ gia đình ông Vũ Thanh Tùng, tổ dân phố 9 và gia đình ông Phạm Ngọc Hưng, tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Trần Phú phát hiện vào ngày 4/5, sau khi đàn lợn của gia đình xuất hiện tình trạng sốt nhẹ nhiều ngày và đột ngột chết. Sau đó gia đình đã báo lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Đến chiều ngày 6/5, cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch, cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các thủ tục tiêu hủy tại chỗ đàn lợn 200 con của gia đình ông Phạm Ngọc Hưng. Trước đó, ngày 4/5, chính quyền địa phương đã tiêu hủy 7 con lợn của gia đình ông Vũ Thanh Tùng; tiêu hủy 30 con lợn của gia đình ông Phạm Ngọc Hưng vào ngày 6/5.
Ông Nông Ích Chấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, ngay sau khi phát hiện hai ổ dịch, huyện đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy ngay đàn lợn của hai gia đình phát hiện dịch. Huyện cũng chỉ đạo địa phương giám sát chặt chẽ diễn biễn dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, lập các chốt kiểm soát, hạn chế người qua lại vào vùng dịch… nhằm tránh lây lan sang khu vực lân cận.
Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, sau khi nhận được kết quả về xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Văn Chấn chỉ đạo chính quyền thị trấn nông trường Trần Phú tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn của gia đình ông Phạm Ngọc Hưng. Trước mắt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 120 lít thuốc sát trùng, thị trấn nông trường Trần Phú cấp 2 tấn vôi cho hai gia đình triển khai tiêu hủy lợn và tiêu độc khử trùng.
Trước tình trạng dịch có thể lây lan ra các vùng khác, cùng cơ quan chức năng huyện Văn Chấn đã chỉ đạo khoanh vùng dịch, thành lập các chốt chặn tại các tuyến đường ra vào xã để kiểm soát phương tiện ra vào, tổ chức phun tiêu độc khử trùng nhằm khống chế vùng dịch; cấm giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn trong vùng dịch; theo dõi quản lý đàn lợn, khi có biểu hiện bất thường báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc thú y để có biện pháp xử lý kịp thời; hạn chế tối đa người ra vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi...