Xung lực mới nâng tầm quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Sau 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 11 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Ấn Độ đang trên đà phát triển tốt đẹp và thuận lợi, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực ngày càng được mở rộng.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ ngày 2 đến ngày 4/3 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Ram Nath Kovind sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và đưa ra lộ trình tăng cường hợp tác song phương trong tương lai.

Tiềm năng chưa tương xứng

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 15 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương luôn duy trì ổn định ở mức trên 5,5 tỷ USD và tăng lên mức 7,5 tỷ USD vào năm 2017. Trong đó, nông sản là mặt hàng Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn vào thị trường Ấn Độ vì đó là những sản phẩm có chất lượng cao, giá phù hợp. Ngoài ra, còn có những mặt hàng tiềm năng là điện tử và phụ kiện máy tính.

Các chuyên gia thương mại cho biết, Ấn Độ hiện là một trong những thị trường cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là sau năm 2010 khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực.

Không dừng lại ở đó, năm 2017, Ấn Độ đứng thứ 17/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư mới, tăng vốn và mua cổ phần trong 11 tháng đạt 184,01 triệu USD.

Theo nhận định của các chuyên gia, Ấn Độ đang là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung và Tây Á với 164 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 755 triệu USD. Hầu hết các dự án đều tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và khai khoáng, đứng thứ 28/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á khẳng định: Tuy quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ đã có sự tiến triển mạnh so với giai đoạn trước, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng giữa hai nước. Nguyên nhân là do các yếu tố văn hóa, tôn giáo, phong cách làm việc, sự khác biệt thể chế và thực thi cam kết đã gây khó khăn trong việc tiếp xúc giữa các doanh nghiệp hai bên cũng như tâm lý e ngại của doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, doanh nghiệp hai bên vẫn còn rất ít thông tin về thị trường của nhau và thông tin về các doanh nghiệp hai bên cũng rất hạn chế.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trung cho biết, hiện nay hầu hết những thế mạnh về sản phẩm của Ấn Độ cũng là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm mỗi bên chưa cao. Sở dĩ vậy bởi cơ cấu kinh tế của hai nước khá tương đồng dẫn tới tính bổ sung giữa hai nền kinh tế không nhiều. Ngoài ra, khả năng cạnh tranh sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Ấn Độ và ngược lại còn hạn chế so với sản phẩm của nhiều nước như Trung Quốc, ASEAN…

Thắt chặt quan hệ

Vừa qua, Đoàn đại biểu gồm 44 công ty Ấn Độ thuộc Hiệp hội doanh nghiệp giấy Ấn Độ (FPTA) đã giao lưu với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) nhằm tìm hiểu thêm về cơ hội hợp tác, thúc đẩy gia tăng thương mại song phương trong ngành giấy.

Ông K. Srikar Reddy - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm tài chính 2016 - 2017, Ấn Độ xuất khẩu giấy trị giá 38,17 triệu USD cho Việt Nam với tỷ trọng 3,26% trong xuất khẩu giấy toàn cầu của Ấn Độ là 1.171 triệu USD.

Trong khi đó, Ấn Độ nhập khẩu giấy trị giá 2.707 triệu USD trong năm tài chính 2016 - 2017 thì nước này chỉ nhập khẩu từ Việt Nam 7,78 triệu USD. Điều này cho thấy sự tương tác về thương mại giữa hai nước trong lĩnh vực này khá thấp và còn rất nhiều tiềm năng cho sự tăng trưởng.

Theo ông Hoàng Trung Sơn - Phó Chủ tịch VPPA, năm 2017, Việt Nam đã nhập khoảng 2 triệu tấn giấy với giá trị khoảng 1,7 tỷ USD. Lượng nhập khẩu lớn nhất đến từ các nước châu Á như: Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quôc, Nhật Bản... Dự kiến năm 2018, năng lực sản xuất sẽ tăng hơn 1,5 triệu tấn (khoảng 50% tổng lượng giấy tiêu thụ) và đây sẽ là cơ hội tốt để xuất khẩu giấy bao bì cũng như tạo nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong cả sản xuất và kinh doanh giấy.

Để tiếp tục phát triển quan hệ thương mại Việt Nam - Ấn Độ, các chuyên gia cho rằng, hai bên cần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quảng bá, giới thiệu về bản thân mỗi bên; đồng thời nâng cao hiệu quả và gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại. Quan trọng hơn là cần có một Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ rất mong muốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, Ấn Độ cũng hy vọng xuất khẩu sang Việt Nam một số mặt hàng nông sản thế mạnh như: nho, hạt vừng, quả lựu... và chợ đợi Việt Nam sang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản, trồng thanh long để cung cấp cho hơn 1,3 tỷ dân trong nước.

Ngược lại, Việt Nam cũng mong muốn Ấn Độ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp tục xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực như: cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu và xem xét nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi như: thịt gà, lợn... cũng như một số mặt hàng hoa quả.


Tại buổi gặp mặt Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại Bộ Công Thương, Đại sứ Parvathaneni Harish nhấn mạnh: Hiện tại, Ấn Độ là một trong 3 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những trụ cột quan trọng của chính sách “Hành động phía Đông” của mình.

Theo Đại sứ Parvathaneni Harish, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực thương mại - kinh tế vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác và khám phá. Vì thế nhiệm vụ quan trọng mà hai nước đặt ra không chỉ dừng lại ở thương mại song phương sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm 2020. Bởi Việt Nam và Ấn Độ hy vọng sẽ cùng nhau khám phá, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong việc cung cấp thông tin về các cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam cũng như Ấn Độ cho doanh nghiệp hai nước.

Do đó, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với sự hiện diện của các doanh nghiệp sẽ đem tới nhiều lợi ích trong việc hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và hợp tác từ nước ngoài; trong đó Ấn Độ là một trong những đối tác tin cậy, được ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa hai nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Đại sứ Parvathaneni Harish thống nhất sẽ tăng cường và tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tham vấn giữa các cơ quan liên quan; trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn doanh nghiệp tham dự các hội chợ, triển lãm được tổ chức tại mỗi nước.

Ngoài ra, sớm thống nhất thời gian tổ chức Kỳ họp Tiểu ban Thương mại Hỗn hợp lần thứ 4 tại Hà Nội để rà soát, đưa ra các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hợp tác cho từng lĩnh vực. Đặc biệt, Việt Nam và Ấn Độ cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: công nghệ thông tin, dệt may, da giày, năng lượng, năng lượng tái tạo, điện, các sản phẩm nông nghiệp như: chè, cà phê, tiêu…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ nói chung và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp nói riêng sẽ ngày càng phát triển, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, góp phần giải quyết các tranh chấp thương mại cho các doanh nghiệp hai nước để sớm đạt được mục tiêu đã đề ra là đưa kim ngạch song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Uyên Hương (TTXVN)
Các hoạt động tích cực trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam mở ra viễn cảnh hợp tác mới
Các hoạt động tích cực trong quan hệ Ấn Độ - Việt Nam mở ra viễn cảnh hợp tác mới

Nhân dịp Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ (từ ngày 2 - 4/3), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Pankaj Jha về quan hệ hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN