Xúc động buổi lễ trao kỷ vật chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh

Những kỷ vật trở về sau gần 60 năm, như lời tri ân muộn màng nhưng đầy ý nghĩa, chạm đến trái tim của những người còn sống.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị trao kỉ vật trong chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 7 phối hợp cùng Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức Hội nghị bàn giao kỷ vật chiến tranh, do phía Hoa Kỳ cung cấp. Sự kiện đã mang theo nhiều cung bậc cảm xúc khi những kỷ vật từng lưu lạc trong chiến tranh nay được trở về với thân nhân, đồng đội và chính chủ nhân.

Những kỷ vật nói thay ký ức

Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất tại hội nghị là khi nhà báo Nghiêm Sỹ Thái - phóng viên chiến trường kỳ cựu, nguyên Trưởng phân xã TTXGP Thừa Thiên - Huế, nguyên phóng viên Báo Tin tức (nay là Báo Tin tức và Dân tộc, thuộc Thông tấn xã Việt Nam) nhận lại cuốn nhật ký đã thất lạc gần 60 năm trong chiến tranh. Cuốn sổ nhỏ nhuốm màu thời gian không chỉ là một kỷ vật mà còn là mảnh ghép ký ức thiêng liêng, ghi dấu những năm tháng sống và tác nghiệp giữa khói lửa chiến trường.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái chia sẻ cảm xúc khi nhận lại cuốn nhật ký bị thất lạc trong 60 năm qua.

Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái xúc động kể lại, vào khoảng năm 1968, trước khi lên đường tham gia chiến dịch cao điểm 935 tại miền Tây Thừa Thiên, ông đã gửi lại hậu cứ một cuốn nhật ký ghi chép những ngày tháng làm báo giữa lửa đạn. “Tôi nghĩ, nếu chẳng may hy sinh, những trang viết này sẽ là tư liệu quý cho đồng đội để các thế hệ sau tiếp tục viết về cuộc chiến”, ông chia sẻ.

Thế nhưng, chiến tranh khốc liệt đã cuốn trôi tất cả. Chỉ một tháng sau, hậu cứ bị trúng bom, cuốn nhật ký cũng mất tích. “Tôi đã nghĩ rằng nó vĩnh viễn chia tay tôi. Rất tiếc, nhưng biết làm sao được… chiến tranh mà”, ông Thái nghẹn ngào.

Điều tưởng chừng không thể đã xảy ra sau gần 60 năm. Một người bạn cũng là cựu chiến binh, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp báo tin rằng, cuốn nhật ký của ông đã được tìm thấy trong kho lưu trữ phía Hoa Kỳ và sẽ được trao trả vào tháng 4/2025.

“Tôi thật sự không nghĩ mình còn được nhìn lại cuốn sổ ấy. Hôm nay, kỷ vật quý báu ấy đã trở về với tôi như "châu đã về hợp phố". Đối với tôi, nó không chỉ là một kỷ vật mà là một phần ký ức, một phần máu thịt đã trở về”, ông Nghiêm Sỹ Thái xúc động nói.

Chú thích ảnh
Kỉ vật chiến trường của ông Nghiêm Sỹ Thái bị thất lạc nay được trở về với chủ.

Với giọng nói đong đầy cảm xúc, ông Nghiêm Sỹ Thái gửi lời tri ân tới các tổ chức đã làm cầu nối giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Ông xúc động nói: “Cá nhân tôi và những người được nhận lại kỷ vật xin trân trọng cảm ơn các tổ chức ngoại giao Việt - Mỹ đã trở thành những nhịp cầu nối hữu nghị. Những kỷ vật này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước sau chiến tranh. Chúng còn chất chứa lòng nhân ái và hy vọng vào một tương lai gắn kết hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.

Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai

Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 7 khẳng định: “Việc trao trả kỷ vật là một hành động nhân văn sâu sắc, là cách để chúng ta tiếp tục tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Mỗi kỷ vật là hiện thân của một người lính, một câu chuyện, một phần lịch sử”.

Theo ông, các kỷ vật được phía Hoa Kỳ trao trả trong đợt này gồm nhiều tài liệu quý như giấy khen, nhật ký chiến trường và sổ ghi chép của các cựu chiến binh Hồ Văn Răng, Nghiêm Sỹ Thái, Vương Văn Lễ cùng các liệt sĩ Nguyễn Thị Ro, Dương Thi, Nguyễn Phước Chính, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thị Mến, Dương Ngọc Bửu và Lê Tấn Đức. Đây không chỉ là những trang tư liệu quý giá mà còn là biểu tượng của ký ức, lòng biết ơn và sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Chú thích ảnh
Đại tá Thái Thành Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 phát biểu tại hội nghị. 

Theo Đại tá Thái Thành Đức, những nỗ lực tìm kiếm, lưu giữ và trao trả kỷ vật chiến tranh không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của thân nhân liệt sĩ mà còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ quốc tế. “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp tích cực từ phía Hoa Kỳ, đặc biệt là sự hỗ trợ của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Những hoạt động đầy thiện chí này đã và đang góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt - Mỹ”, ông Thành Đức nhấn mạnh.

Đại tá Thái Thành Đức cũng cho rằng, việc trao trả kỷ vật diễn ra đúng vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng khiến sự kiện thêm phần ý nghĩa. Những kỷ vật được bàn giao không chỉ là vật chứng của lịch sử mà còn là nhịp cầu nối hai thế hệ, từ những người từng trải qua chiến tranh đến lớp trẻ hôm nay, từ ký ức đau thương đến khát vọng hòa bình và phát triển..

Về phía Hoa Kỳ, ông Marc E. Knapper, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động trao trả di vật chiến tranh. “Chuỗi sự kiện này cho thấy hành trình đáng kinh ngạc mà hai quốc gia đã cùng nhau thực hiện để xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ. Hợp tác trong xử lý di sản chiến tranh đã đặt nền móng cho Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”, Đại sứ Knapper khẳng định.

Chú thích ảnh
Ông Nghiêm Sĩ Thái nhận kỷ vật thất lạc.

Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là trong các lĩnh vực tìm kiếm quân nhân mất tích, rà phá bom mìn còn sót lại và xử lý hậu quả chất độc da cam/dioxin. Ông nhấn mạnh, năm 2025 không chỉ là dấu mốc kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn là dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt –- Mỹ. “Buổi lễ trao trả kỷ vật hôm nay chính là minh chứng sống động cho tinh thần "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai thịnh vượng chung" mà hai nước đang cùng nhau vun đắp”, Đại sứ Knapper nhấn mạnh.

Trong năm 2025, hàng loạt hoạt động ý nghĩa đã và đang được tổ chức trên khắp cả nước để hướng đến những cột mốc quan trọng của lịch sử: 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng như 30 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ. Trong chuỗi hoạt động đó, lễ trao trả kỷ vật chiến tranh không chỉ mang ý nghĩa chính trị - ngoại giao mà còn là biểu tượng của lòng tri ân, sự hòa giải và đoàn kết giữa hai dân tộc. Đây cũng là lời nhắn gửi sâu sắc về những giá trị không bao giờ cũ: Lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần nhân văn vượt qua thời gian.

Nhà báo chiến trường Nghiêm Sỹ Thái sinh năm 1942. Năm 1965, khi còn là sinh viên năm cuối lớp Ngữ Văn 3, khóa 7, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã tình nguyện “đi B” – chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khóa đào tạo cấp tốc, ông trở thành phóng viên chiến trường tại mặt trận Bình Trị Thiên, một trong những chiến trường khốc liệt nhất giai đoạn 1960 - 1972, đặc biệt sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Trong suốt những năm tháng tác nghiệp dưới làn bom đạn, cái chết luôn cận kề, ông Nghiêm Sỹ Thái cùng các đồng nghiệp tại Thông tấn xã Giải phóng vẫn bám trụ chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin, đóng góp hàng ngàn tin bài cho dòng chảy tin tức trong thời kỳ kháng chiến. Ông từng giữ các vị trí như Trưởng Phân xã Thông tấn xã Giải phóng Thừa Thiên - Huế, Trưởng Phân xã Lâm Đồng…

Nhờ tinh thần quả cảm và nghiệp vụ vững vàng, ông đã ghi lại nhiều bức ảnh lịch sử quý giá từ tuyến lửa Bình Trị Thiên. Nhiều trong số đó sau này được công bố, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Có những bức ảnh khiến cả phái đoàn từ Hoa Kỳ bay sang Việt Nam để xin gặp và phỏng vấn ông như một nhân chứng sống của thời đại, người lưu giữ hình ảnh trung thực và đầy tính nhân văn về cuộc chiến.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh
Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã ký Quyết định số 34/QĐ-BCĐKPBMHH ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN