Đây là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê tại Phiên họp lần thứ 4 Ủy ban Bầu cử tỉnh diễn ra ngày 14/4.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đắk Lắk Y Biêr Niê cũng nhấn mạnh, cần trang bị lực lượng y tế và trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 trực 24/24h tại các điểm bầu cử ở hai huyện biên giới; thống nhất thành lập các đoàn kiểm tra của Ủy ban Bầu cử tỉnh, tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương.
Từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn hơn 1 tháng, do đó ông Y Biêr Niê yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị triển khai công tác chuẩn bị bầu cử với tinh thần khẩn trương, tích cực, thận trọng. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ ba vào ngày 16/4; trang bị cho ứng cử viên kiến thức, kỹ năng để xây dựng chương trình hành động, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; tạo điều kiện cho đoàn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số lần đầu ứng cử được tham dự hội nghị tập huấn kỹ năng vận động tranh cử. Ngoài ra, các đơn vị tăng cường thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử bằng tiếng Kinh, tiếng Ê Đê và tiếng H’Mông; giải quyết kịp thời các nội dung khiếu nại, tố cáo về bầu cử.
Tại phiên họp, đại biểu đã nghe báo cáo tiến độ triển khai công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh từ phiên họp thứ 3 Ủy ban Bầu cử tỉnh đến nay; kế hoạch chuẩn bị tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 và hoạt động của các tiểu ban từ phiên họp thứ 2 Ủy ban Bầu cử tỉnh đến nay.
Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, tỉnh có 73 km đường biên giới giáp Vương quốc Campuchia. Lực lượng Biên phòng tỉnh đã thành lập 6 chốt chặn cố định, 2 chốt lưu động và 16 tổ tuần tra dọc tuyến biên giới, hoạt động 24/24h. Mục tiêu là ngăn chặn tình trạng nhập biên trái phép và kiểm soát dịch COVID-19, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết, ngành đã chuẩn bị nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tổ chức cuộc bầu cử; huy động cán bộ, công chức, viên chức thuộc dạng cách ly y tế không tham gia ban bầu cử, tổ bầu cử, tổ y tế; xây dựng các kịch bản linh hoạt phòng, chống dịch trong thời gian diễn ra bầu cử.
Tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên và niêm yết danh sách cử tri. Tính đến ngày 14/4, toàn bộ ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ở Đắk Lắk đảm bảo mức tín nhiệm.
* Ngày 14/4, Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang tổ chức phiên họp lần thứ 4 nhằm đánh giá tình hình thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử trong thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hoàn thành công tác lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Kết quả đối với 12/12 người ứng cử đại biểu Quốc hội được lập danh sách sơ bộ trong hội nghị hiệp thương lần thứ hai, đối chiếu với các quy định của pháp luật về bầu cử, có 12 trường hợp đảm bảo tỷ lệ tín nhiệm của cử tri đạt trên 50%, đủ điều kiện đưa vào danh sách hiệp thương lần 3.
Đối với người ứng cử HĐND tỉnh, có 104/105 người ứng cử được cử tri tín nhiệm 100%, đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; 01 trường hợp cử tri tín nhiệm dưới 50%, đối chiếu theo quy định, trường hợp này không đủ điều kiện đưa vào danh sách hiệp thương lần 3.
Chỉ đạo cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cần tập trung thực hiện. Trong đó, cần theo dõi, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần ba để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 16/4; lập và niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trước ngày 28/4; tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri từ khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử đến hết ngày 22/5; cấp phát các loại phiếu bầu, tài liệu liên quan đến bầu cử cho các ban bầu cử chậm nhất ngày 28/4; niêm yết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ở khu vực bỏ phiếu chậm nhất trước ngày 3/5; các ban bầu cử nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các tổ bầu cử trước ngày 8/5; ngừng việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử trước ngày 13/5.