Xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo đặc thù

Thời gian qua, hoạt động lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị. Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, trong những ngày qua, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đông đảo nhân dân, cử tri cả nước đã theo dõi kỳ họp và quan tâm đến nội dung chính quyền địa phương được các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến.


Cần sớm tổng kết việc thí điểm


Nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo hiến định việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết đánh giá những đề án thí điểm liên quan đến chính quyền địa phương trước khi thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trần Văn Tư phát biểu ý kiến thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN


Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) cho biết: Về chính quyền địa phương (Chương IX), cử tri đặc biệt quan tâm đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, nhất là các vị đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước tích cực tham gia và có những hội nghị chuyên đề ở từng vùng miền để đóng góp. Trong đó 10 tỉnh, thành phố đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội và Nghị quyết 724 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XII.


Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, đến nay việc thí điểm đã trải qua gần 5 năm nhưng chưa tổng kết việc thí điểm, qua việc này cũng đủ thấy tính phức tạp, nhạy cảm của đề án thí điểm chưa có điểm dừng, nhân dân các nơi làm thí điểm mất đi chỗ dựa tin cậy. Không biết trách nhiệm thuộc về ai, những nơi làm thí điểm thì thấp thỏm chờ đợi trong lúc Nghị quyết trung ương 5 Khóa X chỉ rõ: Khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường cần tăng cường HĐND các cấp tỉnh, thành phố về số lượng, chất lượng đại biểu, về cơ sở và các điều kiện làm việc. Nhưng rất tiếc là nội dung này của Nghị quyết đã không được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc làm cho các tỉnh thành làm thí điểm đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Nhiệm vụ giao cho HĐND cấp tỉnh, thành phố để làm thí điểm thì nhiều hơn, nặng nề hơn nhưng không đủ nhân lực và điều kiện vật chất để thực hiện quyền năng của mình, làm giảm vai trò giám sát của HĐND và quyền làm chủ của nhân dân.


Về mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính theo nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành chính thì ở đó có cơ quan đại diện giám sát. Điều 6, dự thảo quy định "nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của nhà nước" nghĩa là có nhiều việc nhân dân không thực hiện quyền làm chủ của mình mà thông qua người đại diện để thực hiện quyền đó và nếu bỏ HĐND thì ai sẽ là người đại diện cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình và ai giám sát UBND và chính quyền các quận huyện. Có ý kiến cho rằng do HĐND tỉnh, các đại biểu Quốc hội giám sát điều này là phi thực tế. Bởi vì bản thân HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh cũng chưa thực hiện hết chức năng giám sát của chính quyền cấp tỉnh theo luật định mà còn cáng đáng thêm chức năng giám sát chính quyền cấp quận huyện thì liệu có kham nổi không. Rõ ràng về mặt thực tế và cả lý luận hiện nay chưa thể hòa giải được vấn đề này, điều này cũng là nỗi trăn trở của nhân dân mà nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhiều nhà hoạt động thực tiễn kể cả chính sách thời gian qua đã thực sự quan tâm nguyên cứu với tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình đã lên tiếng phản biện khá sâu sắc.


Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhất trí với phương án 2, giữ nguyên quy định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành. Trong thời gian qua có thí điểm nhưng chưa tổng kết. Trong quá trình thực hiện cần có những nghiên cứu rất cụ thể. Hiến pháp hiện hành thực hiện nội dung này là hợp lý hơn. Xin đề nghị vẫn giữ như Hiến pháp hiện hành.


Tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức


Dẫn chứng, một số địa phương đã tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết trong quá trình thí điểm không xảy ra những vấn đề bất thường, kinh tế - xã hội của địa phương vẫn phát triển tốt, an ninh, chính trị vẫn ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo. Hoan nghênh việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tiếp thu tốt ý kiến đóng góp của nhân dân về chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng tán thành quan điểm xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo đặc thù. Đại biểu phân tích rằng ở các đô thị lớn, không nhất thiết phải có nhiều cấp chính quyền, vì có tính liên thông cao. Việc giảm các cấp chính quyền sẽ giảm được biên chế, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước ở địa phương.


Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cũng cho rằng mô hình chính quyền địa phương như hiện nay còn nhiều bất cập. Chính quyền, cơ sở ở xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ gần như cấp huyện, cấp tỉnh theo Luật Tổ chức HĐND và UBND. Bao nhiêu nhiệm vụ của nhà nước thì Trung ương, tỉnh, huyện đều dồn về chính quyền cơ sở như là hình phễu. Trong khi tổ chức bộ máy của một xã rất nhỏ, công chức xã chưa phải là công chức nhà nước, số lượng rất ít, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, điều kiện làm việc khó khăn, kinh phí hoạt động hạn chế. Chính vì vậy, tuy xác định vị trí vai trò của chính quyền cơ sở rất quan trọng, nhưng chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở còn nhiều hạn chế.


HĐND nhiều nơi hoạt động còn hình thức, đại biểu HĐND phần lớn là cán bộ công chức nhà nước kiêm nhiệm số ít còn lại chưa đủ điều kiện để hoạt động làm tròn nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Việc thí điểm bỏ HĐND ở một số cấp huyện, phường chưa được tổng kết. Chính quyền ở đô thị và nông thôn có nhiều nhiệm vụ phải yêu cầu khác nhau, đặc biệt là quản lý xây dựng và phát triển, kinh tế nhưng mô hình chính quyền phải giống nhau như vậy là chưa phù hợp. Chính vì vậy trong Hiến pháp (sửa đổi) lần này chưa cần cụ thể những nội dung theo phương án 2, sau khi ban hành Hiến pháp văn bản luật sẽ quy định về mô hình bộ máy chính quyền địa phương.

Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN