Mới hai tháng trước, trong cuộc gặp thường niên giữa những cán bộ, phóng viên Ban Biên tập Tin Trong nước - TTXVN, ông còn hồ hởi giữa các bạn bè, đồng nghiệp một thời gắn bó. Trong cuộc gặp ấy rất rất nhớ hình ảnh hai nhà báo cao tuổi nhất cuộc gặp - nhà báo Vũ Đảo, 93 tuổi và nhà báo Nguyễn Đình Cao, 92 tuổi, những người đã gắn bó với ngành với nghề cả cuộc đời mình, ngồi bên nhau. Một hình ảnh nữa cũng rất có ý nghĩa khi nhà báo Nguyễn Đình Cao đứng bên nhà báo Nguyễn Tiến Lực. Hai ông ở trong số ít những người làm thông tấn báo chí còn lại từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản thủ đô, xây dựng cơ quan thông tấn những năm đầu hoà bình.
Nhà báo Nguyễn Đình Cao gắn bó với nghề báo như một cơ duyên. Ông sinh ngày 3/3/1931, quê quán ở thôn Yên Quả, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn , Nghệ An. Trong kháng chiến chống Pháp, sau khi học xong lớp dự bị đại học ở trường Huỳnh Thúc Kháng, ông trở thành giáo viên, dạy ở trường cấp 2-3 Hồ Tùng Mậu, huyện Đô Lương, Nghệ An.
Năm 1953, với sự giới thiệu của giáo sư Trần Văn Giàu, ông lên chiến khu Việt Bắc, làm việc ở cơ quan tuyên huấn trung ương. Năm 1954, ông chuyển công tác sang Thông tấn xã và gắn bó với với ngành trong nhiều năm.
Nhà báo Nguyễn Đình Cao đã làm việc tại các địa bàn, trải qua các công việc khác nhau. Nhiều năm, ông là Trưởng Tiểu ban Nông nghiệp của Ban Biên tập Tin Ảnh miền Bắc, sau này là Biên tập Tin Trong nước.
Năm 1979, cùng nhiều đồng nghiệp, ông được cử sang Campuchia, vừa làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường, vừa tham gia trong đoàn chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK ( đoàn S78 ). Sau khi từ Campuchia trở về, ông được điều động lên công tác tại Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1994.
Tôi có nhiều kỷ niệm ân tình với nhà báo Nguyễn Đình Cao. Những năm mới vào nghề, tôi thường trú tại Hà Tây, một tỉnh nông nghiệp. Là người ở thành phố, những hiểu biết của tôi về nông nghiệp rất ít ỏi. Từ những tin bài đầu tiên, cùng với trưởng phân xã Huỳnh Thị Hường, tôi đã được nghe những góp ý, hướng dẫn của nhà báo Nguyễn Đình Cao. Tôi nhớ đã được ông động viên khi viết bài về hợp tác xã Tri Chỉ ở Ứng Hoà đưa "Máy cày về đồng trũng". Các bài viết về nông trường Suối Hai, phong trào trồng cây theo lời Bác ở xã Vật Lại , huyện Ba Vì... cũng được ông nhận xét rất kịp thời.
Sau khi từ mặt trận Quảng Trị trở về, khoảng giữa 1973, tôi có thời gian làm việc trực tiếp dưới quyền ông tại Tiểu ban nông nghiệp. Dù thời gian không dài nhưng tôi đã học được nhiều điều về công tác phóng viên, biên tập và hiểu biết về nông nghiệp từ ông, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này và các anh chị ở tiểu ban.
Những năm 1979-1980 gian khó và ác liệt, tôi lại có thời gian cùng làm việc với nhà báo Nguyễn Đình Cao ở Campuchia. Ông là Tổ trưởng tổ phóng viên thường trú tại Quân đoàn 3 ở Xiêm Riệp, sau về Phnom Pênh công tác tại đoàn chuyên gia. Tôi không bao giờ quên hình ảnh về nhà báo Nguyễn Đình Cao cùng các đồng nghiệp lớn tuổi như các nhà báo Trần Hữu Năng (Trưởng đoàn), Phan Thành Nghiêm, Lê Sơn, Nguyễn Văn Ngạc, Vũ Tâm, Nguyễn Văn Tường, Lê Khắc Tịnh, Huỳnh Kim Cang... những năm tháng ấy. Trong những điều kiện rất khó khăn, nguy hiểm cận kề, các ông là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dấn thân, không ngại gian khó hy sinh vì sự nghiệp thông tấn và là chỗ dựa cho lớp phóng viên trẻ chúng tôi.
Sẽ còn mãi trong ký ức của tôi và các đồng nghiệp hình ảnh đẹp về nhà báo Nguyễn Đình Cao - một nhà báo lão thành, dày dạn kinh nghiệm, gắn bó với ngành, tận tâm với nghề; một con người nhân hậu, thuỷ chung với gia đình, người thân; hết lòng với bạn bè, đồng nghiệp!
Cầu mong ông an giấc!