Trong ba ngày làm việc (24 - 26/11), BoG IAEA sẽ tập trung thảo luận về Chương trình Hợp tác kỹ thuật (TC) giai đoạn 2022-2023, vấn đề hạt nhân Iran và chương trình hoạt động của hội đồng thời gian tới.
Tham dự sự kiện có Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cùng 35 thành viên BoG IAEA và Đại sứ, đại diện các nước thành viên IAEA. Đại sứ Nguyễn Trung Kiên, đại diện thường trực của Việt Nam tại IAEA, tham dự với tư cách thành viên BoG IAEA nhiệm kỳ 2021-2023. Do tình hình dịch COVID-19 tại Áo đang diễn biến phức tạp, chương trình làm việc của BoG IAEA diễn ra theo cả hai hình thức - trực tuyến và trực tiếp.
Trong phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc Grossi nhấn mạnh vai trò của IAEA trong hỗ trợ các nước thành viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh các dự án trong khuôn khổ TC, IAEA đã triển khai hàng loạt các hoạt động hợp tác quan trọng như hỗ trợ các quốc gia thành viên ứng phó với đại dịch COVID-19; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị và đào tạo, nâng cao năng lực cho các quốc gia trong việc phòng ngừa dịch bệnh cũng như giảm thiểu tác động của rác thải nhựa.
Tổng Giám đốc Grossi cho biết IAEA và Senegal, Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi, đã thống nhất xây dựng chương trình hỗ trợ các nước châu Phi ứng dụng công nghệ hạt nhân vào điều trị ung thư và chương trình này sẽ được mở rộng cho các nước đang phát triển từ năm 2022.
Về bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân, IAEA đã tổ chức hàng loạt hội nghị quốc tế về sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản), vấn đề quản lý chất thải hạt nhân đã qua sử dụng. Trong năm 2022, IAEA sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế về luật hạt nhân lần thứ nhất, Hội nghị các nước thành viên Công ước về bảo đảm an toàn cho vật liệu thực thể hạt nhân. Đây sẽ là các sự kiện quan trọng, đóng góp vào quá trình củng cố, thực thi hiệu quả khuôn khổ pháp lý quốc tế về phát triển an toàn công nghệ hạt nhân.
Về ứng phó biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc Grossi cho biết IAEA đã tham gia tích cực vào chương trình nghị sự tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) vừa qua. Tại hội nghị này, nhiều nước đã khẳng định năng lượng hạt nhân là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, giảm thiểu các tác động về môi trường. IAEA sẽ tiếp tục phối hợp với các nước thành viên triển khai các chương trình, dự án phục vụ mục tiêu này.
Phát biểu tại Phiên thảo luận về TC giai đoạn 2022-2023, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam và IAEA về phát triển và ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình trong thời gian qua. IAEA đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các dự án hợp tác trong khuôn khổ TC giai đoạn 2020-2021 cũng như các hoạt động chuyển giao công nghệ hạt nhân khác.
Đại sứ bày tỏ cảm ơn IAEA đã đồng hành với Việt Nam trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh việc IAEA cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm và tổ chức các khóa đào tạo về ứng dụng công nghệ hạt nhân để thực hiện các xét nghiệm RT-PCR đã giúp Việt Nam chẩn đoán và phát hiện sớm virus SARS-CoV-2, góp phần hạn chế đại dịch COVID-19 bùng phát.
Đại sứ hoan nghênh và đánh giá cao IAEA trong việc xây dựng và đề xuất 5 dự án hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ TC giai đoạn 2022-2023, tập trung vào các lĩnh vực ứng phó dịch bệnh, điều trị ung thư, phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh an toàn, an ninh và ứng phó sự cố hạt nhân. Việt Nam cam kết sẽ tích cực phối hợp với IAEA trong quá trình triển khai khác dự án này
Việt Nam tham dự Phiên họp thường kỳ của BoG IAEA với tư cách thành viên, tiếp tục góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam thông qua việc thể hiện vai trò chủ động, tích cực trong thúc đẩy mục tiêu ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình; tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các quốc gia thành viên cũng như ban lãnh đạo IAEA trong ứng phó với các thách thức mà nước ta đang phải đối mặt, nhất là vấn đề đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Cùng với Đại Hội đồng IAEA, BoG IAEA là cơ chế hoạch định chính sách về phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình. Hội đồng cũng thực hiện chức năng giám sát và khuyến nghị Đại Hội đồng IAEA về chương trình hoạt động, tài chính - ngân sách, xem xét việc kết nạp thành viên mới của IAEA. Hội đồng có thẩm quyền phê duyệt các hiệp định về thanh sát giữa IAEA và các quốc gia thành viên cũng như các quy định và tiêu chuẩn của IAEA về an toàn và an ninh hạt nhân.
BoG IAEA bao gồm 35 thành viên, trong đó có 22 nước được Đại Hội đồng IAEA bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Tháng 9/2021, Việt Nam được các nước thành viên IAEA thống nhất bầu vào BoG IAEA nhiệm kỳ 2021-2023.