Phóng viên TTXVN thường trú tại LHQ đã phỏng vấn Đại sứ T.S Tirumurti, Trưởng phái đoàn thường trực Ấn Độ tại LHQ, về những đánh giá đối với Việt Nam trong hai năm qua. Ấn Độ hiện là ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2021-2022.
Thưa Đại sứ, các nước ủy viên không thường trực đã làm được gì trong một năm đầy thách thức như năm 2021?
Tôi tin rằng Nhóm các nước ủy viên không thường trực (E10) như chúng tôi đã mang tới góc nhìn khách quan trong HĐBA, đại diện cho tiếng nói của những nước đã tín nhiệm và bầu cho chúng tôi. Theo đó thì 10 ủy viên không thường trực HĐBA đại diện cho tiếng nói của hầu hết các nước thành viên LHQ, mỗi nước ủy viên không thường trực phải nói tiếng nói của khu vực mình. Ví dụ, các ủy viên không thường trực châu Phi phải đại diện tiếng nói cho lục địa của họ, còn Việt Nam phải phản ánh được quan điểm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thêm vào đó, các nước ủy viên không thường trực cũng tham gia đề xuất và soạn thảo nghị quyết liên quan tới nhiều vấn đề quan trọng, đóng góp vào thành công chung của HĐBA.
Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác giữa các nước ủy viên thường trực và không thường trực?
Tôi cho rằng các nước ủy viên không thường trực có khả năng và có vai trò đóng góp vào việc điều phối các mối quan hệ trong HĐBA trong trường hợp có phân cực hoặc bất đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp các nước ủy viên thường trực (P5) bất đồng quan điểm về một số lĩnh vực, sẽ thật sự là thách thức cho nhóm E10 trong việc giải quyết hài hòa những bất đồng này. Các nước E10 chúng tôi hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quy tắc và cố gắng để có được sự đối trọng cân bằng, tức là kể cả trong trường hợp các nước P5 đã thống nhất một vấn đề, chúng tôi vẫn có vai trò của mình, đó là đưa quan điểm, góc nhìn của khu vực mình vào trong nghị quyết của HĐBA. Đây chính là sức mạnh của các nước E10.
Đại sứ đánh giá về vai trò và đóng góp của Việt Nam như thế nào tại HĐBA?
Rõ ràng Việt Nam đã đóng vai trò rất tích cực trong HĐBA. Việt Nam và Ấn Độ hợp tác rất chặt chẽ với nhau ở mọi cấp, nhất là trong năm vừa qua. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công hai tháng Chủ tịch HĐBA. Việt Nam và Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ với nhau để đạt được sự nhất trí về nhiều nội dung văn kiện quan trọng như Nghị quyết hay Tuyên bố Chủ tịch. Lãnh đạo hai nước cũng có mối quan hệ hợp tác rất khăng khít khi cùng bàn về những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của HĐBA.
Những sáng kiến do Việt Nam đề xuất tại HĐBA có mang lại hiệu quả thực chất không, thưa Đại sứ?
Việt Nam đã tập trung ưu tiên một số vấn đề quan trọng, chẳng hạn như thúc đẩy nghị quyết về bảo vệ cơ sở hạ tầng trong xung đột. Việt Nam cũng có một Tuyên bố Chủ tịch về vấn đề bom mìn mà tôi đánh giá là rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh các lực lượng khủng bố đang nhằm vào lực lượng gìn giữ hòa bình. Chúng tôi cũng tham gia cả phiên thảo luận mở của Việt Nam về hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực do chính Chủ tịch nước Việt Nam chủ trì.
Là thành viên ASEAN, Việt Nam đã mang tới góc nhìn quan trọng trong các phiên thảo luận của HĐBA, nhất là trong vấn đề Myanmar. Ấn Độ ủng hộ tất cả các sáng kiến của Việt Nam, bởi hai nước cùng là những nước châu Á, có nhiều điểm chung trong những vấn đề cùng ưu tiên. Tôi đánh giá cao các sáng kiến Việt Nam đã đưa ra tại HĐBA.
Thưa Đại sứ, đâu là thách thức của HĐBA trong năm tới?
Rất khó có thể dự báo trước những thách thức mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, năm 2022. Thực tế trong năm 2021 vừa qua, có một số điểm nóng xảy ra mà không được dự báo trước đó. Tuy nhiên, một số vấn đề nóng hiện nay vẫn còn nan giải, như đại dịch COVID-19 và các cuộc xung đột trên thế giới nổ ra ngày càng nhiều mà chưa có hồi kết. Khủng bố cũng là mối đe dọa lớn đối với tất cả các nước trên thế giới và thậm chí còn lan rộng, ví dụ như tình hình ở châu Phi. Ngay trong khu vực châu Á của chúng ta hiện cũng tồn tại hai vấn đề là Afghanistan và Myanmar và chắc chắn sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của HĐBA trong năm tới. Chính vì vậy, tôi cho rằng HĐBA sẽ có rất nhiều việc phải làm trong năm tới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ.