Hội nghị là cơ hội để nhóm 20 nền kinh tế - hiện chiếm 2/3 dân số, 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 80% thương mại toàn cầu - cùng các đối tác quan trọng tìm kiếm giải pháp vượt qua khó khăn và bất đồng nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững để góp phần định hình một thế giới kết nối.
Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay trên cương vị Chủ nhà APEC 2017 một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) trong cấu trúc quản trị khu vực và toàn cầu, đồng thời cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Có thể nói tình hình thế giới kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 lần trước diễn ra tháng 9/2016 ở Trung Quốc đã có nhiều biến động to lớn, tác động tới nền kinh tế, thương mại toàn cầu cũng như các mối quan hệ quốc tế. Những chính sách khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cân nhắc lại nhiều thỏa thuận tự do thương mại với các nước và thực thi các biện pháp bảo hộ thương mại trong nước, đang tạo ra những rào cản làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời khiến tiến trình liên kết kinh tế theo hướng "toàn cầu hóa" gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã thực sự "phủ bóng đen" lên những nỗ lực toàn cầu nhằm chặn đà tăng của nhiệt độ Trái Đất, một trong những mục tiêu quan trọng để bảo đảm có được sự tăng trưởng bền vững trên thế giới.
Nền kinh tế thế giới cũng chịu tác động từ diễn biến trên chính trường Anh sau cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tháng 6 vừa qua khiến tiến trình đàm phán Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trở nên khó đoán định, trong khi châu Âu chưa thể giải quyết được những thách thức về an ninh hay khủng hoảng người di cư. Mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) đối với các vấn đề chủ chốt như thương mại hay chống biến đổi khí hậu đang làm chậm lại việc triển khai những sáng kiến thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại do nhiều yếu tố cản trở, trong khi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn hết sức mong manh, dẫn tới thế giới chưa thể tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo ra, khi những thách thức kèm theo về thể chế, lao động cũng đang làm chệch hướng phát triển ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, kinh tế toàn cầu tuy tăng trưởng tích cực hơn, song không bền vững và vẫn đứng trước nhiều nguy cơ.
Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các nền kinh tế G20 cần khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chính sách để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, và đây cũng là yếu tố thúc đẩy Đức, nước hiện giữ chức Chủ tịch G20, chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị năm nay là “Định hình một thế giới kết nối”.
Mục tiêu của hội nghị lần này là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh, y tế, an sinh xã hội. G20 năm nay cũng đề cao tính trách nhiệm của mỗi quốc gia thông qua việc thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, hỗ trợ các nước châu Phi, hợp tác xử lý các thách thức di cư quốc tế, lao động- việc làm, bình đẳng giới…
Trọng tâm nghị sự của G20 lần này có nhiều nội dung tương đồng với các ưu tiên của Việt Nam và APEC trong “Năm APEC 2017” với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Cả hai diễn đàn đều đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, tăng cường liên kết thương mại và đầu tư, khuyến khích đổi mới - sáng tạo, xử lý các vấn đề về kinh tế, xã hội, lao động, việc làm trong nền kinh tế số hóa dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hợp tác chống biến đổi khí hậu,... Điểm đáng lưu ý là có tới 9 thành viên G20 là các nền kinh tế thành viên APEC. Đây là điểm thuận lợi để G20 và APEC, với tư cách các diễn đàn quan trọng hàng đầu thế giới, chia sẻ và phối hợp xử lý các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu.
Đặc biệt, nội dung nghị sự của G20 và APEC cùng đặt vấn đề phát triển bao trùm trong bối cảnh kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhấn mạnh việc xử lý các tác động xã hội của cuộc cách mạng này. Đây là vấn đề mới và được nhiều nước quan tâm, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Điều này được coi là cơ sở và cơ hội để thúc đẩy việc kết nối các trọng tâm nghị sự của APEC và G20 nhằm tăng cường phối hợp khu vực và toàn cầu trong xử lý các vấn đề kinh tế trong bối cảnh mới.
Trước Hội nghị thượng đỉnh G20, Việt Nam đã tham dự các hội nghị liên quan của G20 với tư cách Chủ nhà APEC 2017 và tích cực tham gia thảo luận, đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng vào chương trình nghị sự của G20, trong đó có việc thúc đẩy kết nối và phối hợp các nội dung ưu tiên mà G20 và APEC cùng thúc đẩy trong năm 2017. Chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Đức tham gia “Định hình một thế giới kết nối” cùng G20 lần này một lần nữa thể hiện Việt Nam luôn có trách nhiệm trong các công việc quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.