Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố, phát triển, đi vào chiều sâu và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực; chúc mừng Bộ Tư pháp hai nước tổ chức sự kiện: Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào; Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ 5.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa 2 Bộ Tư pháp thời gian qua, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú của nhân dân khu vực biên giới, hợp tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Chính sự hợp tác hiệu quả giữa 2 Bộ Tư pháp đã vun đắp, tăng cường hơn nữa mối quan hệ vĩ đại Việt Nam - Lào; là nền tảng xây dựng Nhà nước pháp quyền của hai nước.
Đồng chí Phan Đình Trạc mong muốn, dựa trên những kết quả đã đạt được, sự hợp tác giữa 2 cơ quan ngày càng hiệu quả hơn, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nhân lực Tư pháp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hai nước cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật quốc tế cho cán bộ Tư pháp. Đây là lực lượng nòng cốt giúp hai nước xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận và được thực hiện nghiêm minh.
Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị hai bên nâng cao hơn nữa hiệu quả trong tương trợ tư pháp về dân sự; tiếp tục quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề di cư tự do, kết hôn không giá thú của nhân dân khu vực biên giới. Hai Bộ Tư pháp tiếp tục hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương về pháp luật, tư pháp nhất là sáng kiến Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 10…
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Việt Nam - Lào có mối quan hệ hợp tác truyền thống hết sức tốt đẹp trong suốt thời kỳ hai dân tộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Trải qua thời gian, mối quan hệ hợp tác, tình hữu nghị đặc biệt của hai nước ngày càng sâu sắc hơn. Đặc biệt, ngày 18/7/2022, hai bên đã cùng nhau phối hợp tổ chức thành công tốt đẹp lễ kỷ niệm "Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022" và các hoạt động có ý nghĩa khác tại thủ đô của hai nước. Điều đó đã giúp cho nhân dân hai nước cảm nhận sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Trong điều kiện tội phạm xuyên biên giới, tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, hôn nhân đa quốc tịch…, Tòa án hai nước phải phối hợp chặt chẽ để xử lý hiệu quả các vấn đề này. Các hoạt động hợp tác giữa Tòa án hai nước được thể hiện trên nhiều lĩnh vực: Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xét xử và quản lý Tòa án thông qua các chuyến thăm, làm việc của Tòa án hai nước từ cấp trung ương đến cấp địa phương; tổ chức khóa bồi dưỡng cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án nhân dân Lào; tổ chức Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia hai năm một lần luân phiên ở từng nước thành viên và năm nay Lào là nước Chủ tịch luân phiên; thực hiện các hoạt động hợp tác tư pháp.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tin tưởng, mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp hai nước Việt Nam - Lào sẽ ngày càng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Đặc biệt, sau khi kết thúc Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ 5, Bộ Tư pháp hai nước sẽ tiếp tục đưa ra những phương thức hợp tác hiệu quả hơn nữa trong công tác pháp luật và tư pháp.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Tư pháp Lào Phayvy Siboualypha cho biết, hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của Lào cũng đã có chuyên gia của Việt Nam sang hỗ trợ. Hiện nay, Lào cũng đang tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có sự tham vấn của các chuyên gia pháp luật của Việt Nam. Nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam đã giúp Lào đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy cho các chức danh tư pháp, cán bộ pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật…