Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự tham dự của khoảng 80 đại biểu bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, học giả từ các cơ quan chính phủ Việt Nam và quốc tế, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cũng như các doanh nghiệp, sinh viên.
Sự kiện là diễn đàn để hai bên trao đổi về lịch sử, thực trạng quan hệ song phương, những thành tựu và hạn chế của Hợp tác Việt Nam - Algeria trong 60 năm qua; đánh giá vai trò khu vực và quốc tế của Việt Nam và Algeria trong Hợp tác Nam-Nam; tìm ra cách tiếp cận và giải pháp mới để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới về biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và năng lượng, số hóa, cạnh tranh gay gắt của các cường quốc… cũng như kết nối và thúc đẩy hợp tác giáo dục và khoa học giữa các viện nghiên cứu, các cơ sở học thuật khác của Việt Nam với các đối tác Algeria.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Algeria tại Việt Nam Boubazine Abdelhamid khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Algeria đã được hun đúc trong những năm tháng chiến tranh gian khổ chống chế độ thực dân và sự chiếm đóng của ngoại quốc. Việt Nam đã công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeria vào ngày 26 tháng 9 năm 1958, chỉ một tuần sau khi Algeria tuyên bố thành lập. Và mối quan hệ lịch sử này sau đó đã được mở rộng sang lĩnh vực hợp tác kinh tế, kỹ thuật và tài chính. Nhiều hiệp định đã được ký kết, đặc biệt là trong những năm 1970 sau khi dân tộc Việt Nam giành được chiến thắng trước đế quốc Mỹ và thống nhất đất nước năm 1975.
Kể từ đó, hai nước bắt đầu thiết lập các chuyến thăm song phương cấp cao và thực hiện trao đổi tiếp xúc trong khuôn khổ các thể chế quốc tế. Tổng thống Houari Boumediene đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 3 năm 1974 và Tổng thống Liamine Zeroual và Abdelaziz Bouteflika lần lượt thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 10 năm 1996 và tháng 10 năm 2000.
Ông Trần Tam Giáp, chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí của Bộ Ngoại giao cho biết, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nhận được tình cảm hữu nghị và hợp tác nồng ấm của chính phủ và nhân dân Algeria trên mọi lĩnh vực. Để minh họa cho mối quan hệ thắm thiết giữa hai nước, ông Trần Tam Giáp đã nhắc lại sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm mà Algeria đã dành cho các chuyến thăm cấp cao của Việt Nam như chuyến thăm của đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong vai trò Phó Thủ tướng) tới Algéria vào tháng 2 năm 1985, chuyến thăm của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vào tháng 4 năm 2010, các chuyến thăm của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình... Theo ông Trần Tam Giáp, quan hệ hữu nghị và hợp tác của hai nước hiện nay đang bước sang giai đoạn mới, là đối tác cùng có lợi, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước cũng sẽ là cầu nối của nhau để Việt Nam và Algeria phát triển ngoại thương sang Bắc Phi và Tây Sahara cũng như ASEAN. Điều này sẽ đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Đại sứ Boubazine Abdelhamid đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới hiện nay với khoảng 70 hiệp định thương mại (song phương và đa phương) được kí kết. Lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vẫn là thế mạnh. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng kí đạt 395 tỷ đô la. Những con số tích cực trên liên tục khẳng định Việt Nam đang đi đúng con đường phát triển thịnh vượng và sẽ tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc qua từng năm tháng để trở thành một quốc gia phát triển như kì vọng.
Về phần mình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh cho biết Việt Nam là nước đầu tiên không thuộc khối Arab công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hòa Algeria ngày 26 tháng 9 năm 1958. Trải qua 60 năm thiết lập và củng cố quan hệ, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng được mở rộng và củng cố thông qua sự hợp tác và đối tác trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa,...
Hai nước luôn chân thành ủng hộ nhau trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Trên nền tảng lịch sử tương đồng, quan hệ hợp tác của hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân... không ngừng phát triển.
Trong thời gian qua, các cơ chế hợp tác giữa hai nước như Ủy ban hợp tác liên Chính phủ, tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao đã tạo cơ sở định hướng cho các lĩnh vực hợp tác. Thông qua các cơ chế này, hai bên đánh giá, điều chỉnh và đưa ra định hướng phát triển trong bối cảnh mới hiện nay.
Về thương mại, theo số liệu của Cơ quan xúc tiến ngoại thương quốc gia Algeria (ALGEX), kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt 262,5 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2022 đạt 140 triệu USD. Algeria được coi là một trong những đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam. Algeria cũng có các sản phẩm chủ đạo như dầu khí, phốt phát, chà là, dầu ô liu… mà các công ty Việt Nam có thể nhập khẩu và hoàn toàn có khả năng thiết lập quan hệ đối tác.
Trong lĩnh vực đầu tư, dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP) là một dự án mang tính biểu tượng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước. Bên cạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống, ngoại giao văn hóa cũng luôn là điểm sáng và được triển khai rộng rãi tại Algeria. Ngoại giao văn hóa đã thực sự trở thành “cầu nối” giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Algeria, giúp hai nước chia sẻ các giá trị văn hóa trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt.
Kết thúc hội thảo, Đại sứ Nguyễn Thành Vinh bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi sẽ đưa hai nước đạt được những thành tựu mới, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam và chính sách “xây dựng một nước Algeria mới” của Algeria, cũng như quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước, nguyện vọng của nhân dân hai nước và quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước sẽ ngày càng bền chặt, thiết thực và hiệu quả hơn, góp phần xây dựng, củng cố cho hòa bình và sự phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.