Nên để cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng chỉ hành nghề
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26 dự thảo Luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Y khoa Quốc gia, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng, Hội đồng được giao những nhiệm vụ lớn như tư vấn xây dựng thể chế, chính sách sách về y tế, khám bệnh, chữa bệnh; giải quyết những vấn đề khó về chuyên môn…; không nên giao đảm nhiệm các công việc thực thi tác nghiệp, cụ thể với việc tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề.
"Việc này nên quy định giao cho các cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức độc lập thực hiện đối với nhiều chứng chỉ hành nghề khác, không cần thiết phải do Hội đồng ở tầm quốc gia trực tiếp thực hiện", đại biểu Phạm Thị Kiều nhấn mạnh.
Để đảm bảo theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của các địa phương, tạo thuận lợi hơn cho người dân, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cấp giấy phép hành nghề, giảm chi phí thủ tục hành chính, chỉnh sửa quy định về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề theo địa bàn quản lý như hiện hành. Giám đốc Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép hành nghề cho tất cả các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 18 theo từng địa bàn quản lý.
Cùng băn khoăn với việc giao cho Hội đồng Y khoa cấp quốc gia về việc cấp, thu hồi giấy phép hành nghề, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) cho rằng: "Hội đồng Y khoa Quốc gia là cơ quan đánh giá về chuyên môn, năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Còn việc cấp giấy phép hành nghề, giao cho các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Y tế và Sở Y tế tại các địa phương".
Cần quy định rõ địa vị pháp lý Hội đồng
Liên quan đến quy định thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, hiện nước ta có 27 trường đào tạo khối ngành Y với điểm đầu vào, chất lượng đào tạo khác nhau. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa có tiêu chí để phân định "chất lượng sản phẩm" giữa các trường này; do vậy, cần có một kỳ thi đánh giá năng lực bảo đảm chính xác, công bằng. Do đó, theo đại biểu, việc thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề là bước đột phá để tạo động lực đổi mới toàn diện đào tạo ngành Y khoa.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đây là chính sách mới nên đề nghị cần phải có lộ trình bảo đảm tính khả thi và có một quy trình đủ chặt để bảo đảm nghiêm túc, chính xác, khách quan, tránh hình thức, cần có đủ chế định về cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc.
Góp ý về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, quy định giao Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng "để Hội đồng Y khoa Quốc gia có thực quyền, hoạt động cấp giấy phép hành nghề thực chất, tránh hình thức".
Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi chính thức được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào cuối năm 2020, đến nay,Hội đồng Y khoa Quốc gia vẫn chỉ mang tính chất như "cơ quan giúp việc" cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng; nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Thứ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo một số cục của Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng…
"Như vậy, nếu vẫn duy trì cơ cấu và địa vị pháp lý này, việc quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ mang tính hình thức và không khả thi. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ địa vị pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia, với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị.
Hội đồng nên xây dựng chuẩn năng lực hành nghề
Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Cà Mau) cho rằng, giấy phép hành nghề không phải là bằng cấp chuyên môn và cũng không thể hiện chuyên môn cao, thấp. Theo đó, giấp phép hành nghề chứng tỏ người có bằng cấp chuyên môn cần thiết, cùng với hiểu biết về pháp luật của nước sở tại để sử dụng chuyên môn đó phục vụ người bệnh đúng pháp luật quy định. Trong khi đó, dự thảo Luật quy định chỉ có Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, cấp giấy phép hành nghề, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng, vấn đề này là không hợp lý vì nếu chỉ có một tổ chức thực hiện việc này, khối lượng công việc rất khổng lồ.
Theo thống kê năm 2019, nếu chưa kể số lượng bác sỹ tuyến Trung ương, riêng tuyến địa phương đã khoảng 96,2 nghìn bác sỹ. Việc này sẽ gây ra tập trung quá tải, ách tắc và khó khăn trong việc cấp giấy phép hành nghề. "Nếu một bác sỹ đang khám bệnh ở một bệnh viện mà phải dừng lại một tuần hoặc 1 tháng để chờ được cấp giấy phép hành nghề sẽ gây xáo trộn lớn cho hoạt động của bệnh viện đó", đại biểu Nguyễn Tri Thức nhận định.
Trong khi đó, Hội đồng Y khoa Quốc gia không phải là cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính, nên không phù hợp để cấp giấy phép hành nghề. Do đó, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia có trách nhiệm xây dựng chuẩn năng lực hành nghề; xây dựng ngân hàng câu hỏi; xây dựng quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh; xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề; kiểm tra, đánh giá giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh...
"Thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề sẽ do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các sở y tế cấp như hiện nay", đại biểu Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.