Biểu tượng của tình đoàn kếtTheo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, sau gần 20 năm, hệ thống mốc giới giữa hai nước Việt Nam - Lào gồm 199 vị trí mốc đã bộc lộ một số hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới. Xuất phát từ thực tế này, năm 2003, lãnh đạo hai nước đã thống nhất cho phép xây dựng và triển khai Dự án Tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào.
Ngày 16/3/2016, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (bên phải) và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith ký kết các văn kiện đánh dấu việc hoàn thành thắng lợi Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Vệt Nam - Lào, trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN |
Từ cuối năm 2003 đến năm 2008, hai nước đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện “Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào”. Sau khi dự án được hai Chính phủ phê duyệt, Ủy ban Biên giới quốc gia đã chủ trì phối hợp với phía Lào hoàn thành công tác chuẩn bị cả song phương và đơn phương. Ngày 5/9/2008, Việt Nam và Lào tổ chức Lễ khánh thành cột mốc đôi số 605 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Đen Sa Vẳn (Sa Van Na Khet), chính thức khởi động công tác cắm mốc quốc giới trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước.
Từ giữa tháng 9/2008, hai bên triển khai đồng loạt công tác cắm mốc quốc giới trên toàn tuyến biên giới. Đến tháng 7/2013, hai bên đã hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa với 792 vị trí tương ứng 834 cột mốc chính, cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí. Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào hoàn thành tốt đẹp đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị, thủy chung giữa nhân dân hai nước.
Một buổi tuần tra biên giới của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Lạn (Sơn La) tiếp giáp với huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Ảnh: Lê Hữu Quyết- TTXVN |
Phát biểu tại Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt - Lào trên thực địa, được tổ chức ngày 9/7/2013 tại cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bô-ly-khăm-xay), nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việc hoàn thành công tác cắm mốc giới quốc gia là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lâu dài trong quan hệ hai nước, là ‘hoa thơm, trái ngọt’ được đơm kết từ quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; là thành quả của tình bạn, tình đồng chí thủy chung, son sắt, thể hiện sự nhất trí cao, sự tin cậy lẫn nhau giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào".
Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tại buổi lễ cũng nhấn mạnh: “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào - Việt Nam với nguyện vọng thiết tha làm cho đường biên giới giữa hai nước rõ ràng và chính xác, vĩnh viễn trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác về sự phồn thịnh của nhân dân hai nước và là tài sản vô giá truyền lại cho các thế hệ con cháu của hai nước tiếp tục kế thừa”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”Từ tháng 8/2013 đến tháng 10/2015, hai bên phối hợp xác định và xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí, nâng tổng số mốc giới và cọc dấu đã cắm trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào lên 905 vị trí, tương ứng 1.002 mốc giới và cọc dấu (tăng gấp 4,5 lần so với trước, trung bình khoảng 2,6 km đường biên có 1 vị trí mốc giới hoặc cọc dấu); hoàn thành việc dịch chuyển 5 cột mốc và 1 cọc dấu đã xây dựng nhưng do cắm chệch đoạn biên giới kẻ thẳng hoặc không phù hợp với địa hình thực địa tới vị trí mới trên đường biên giới; hoàn thành việc đo đạc để bổ sung cập nhật lên bộ bản đồ số đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 các đoạn đường tuần tra biên giới mới thi công, đồng thời xử lý 70 điểm sai phạm khi thi công đường tuần tra biên giới làm biến dạng, phá vỡ địa hình, địa vật giúp nhận biết đường biên giới. Hai bên cũng đã thống nhất dự thảo Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào (kèm theo các tài liệu, bản đồ ghi nhận toàn bộ thành quả công tác biên giới giữa 2 nước) và dự thảo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Anh Dũng cho biết, toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài trên 2.000 km với nhiều khu vực có địa hình hiểm trở, thậm chí không có cả đường đi lại. Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ thất thường làm sụt lở đất, địa hình chia cắt nên việc vận chuyển vật tư và cột mốc bảo đảm nguyên vẹn gặp rất nhiều khó khăn. Vượt qua những trở ngại đó, các lực lượng cắm mốc đã thực hiện trên 8.000 lần tiếp cận vị trí mốc, làm hàng nghìn km đường công vụ để vận chuyển trên 5.000 tấn nguyên vật liệu, san ủi, đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất đá phục vụ thi công, xây dựng mốc.
Trong các đợt công tác, các thành viên của đoàn phải đi bộ băng rừng, trèo đèo, lội suối hàng chục, thậm chí cả trăm km mới tiếp cận được vị trí mốc để khảo sát, thi công. “Thực tiễn, trong quá trình thực hiện dự án, cùng với việc hoàn thành công tác xây dựng mốc, hai bên đã xử lý kịp thời và hiệu quả các công việc phát sinh, cũng như những khó khăn khác nảy sinh do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan mà hai bên chưa lường hết được, hoàn thành một khối lượng rất lớn công việc, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo kế hoạch”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Kiểu mẫu trong giải quyết biên giới trên bộNgày 16/3/2016, tại Lễ tổng kết hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam - Lào đã ký Nghị định thư và hiệp định, đánh dấu hoàn thành thắng lợi toàn bộ vấn đề biên giới Việt Nam - Lào.
Theo ông Hồ Xuân Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào, với một hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại và mật độ tương đối dày, bình quân 2,6 km/vị trí mốc, hai nước đã có một đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết và dễ quản lý. Điều này sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho công tác quản lý biên giới nói chung, giữ gìn hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới nói riêng và đặc biệt sẽ tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác giữa hai nước, nhất là tại khu vực biên giới. Cùng với đó, việc hoàn thành toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới đã thể hiện rõ nét mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Hai nước luôn kề vai sát cánh, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau để cùng chung sống hòa bình. Đây cũng là một kiểu mẫu cho các nước tại khu vực trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên bộ.
“Việc quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân cũng như các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới hiểu rõ những quy định và điều khoản hai nước đã ký kết trong “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào” để mọi người tự giác tuân thủ, giữ gìn tốt trật tự trị an khu vực biên giới; quản lý đường biên và hệ thống mốc giới cũng như thúc đẩy giao lưu, trao đổi kinh tế và hợp tác cùng có lợi giữa hai bên”, nguyên Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn nhấn mạnh.