Tưởng niệm chúa Nguyễn Hoàng, người mở mang bờ cõi phía Nam

Ngày 10/7 (tức ngày 3 tháng 6 âm lịch), tại TP. Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phước đã tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm 400 năm ngày mất của chúa Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên có công khai phá vùng đất Thuận Hóa (Huế xưa) và mở mang bờ cõi nước ta về phía Nam.

Chùa Thiên Mụ, một trong những ngôi chùa lớn được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng.


Lễ tưởng niệm bắt đầu từ việc rước lễ phẩm từ Điện Long Đức sang Triệu Miếu, Đại Nội và các nghi thức của nhạc lễ cung đình. Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Chúa Nguyễn Hoàng là người đặt nền móng cho việc chọn lựa vùng đất Huế để xây dựng thành thủ phủ của Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất thời Nguyễn và như vậy, ông cũng là người đặt nền tảng cho việc hình thành các di sản văn hóa vô giá của xứ Huế mà ngày nay thế hệ chúng ta đang được kế thừa.

Chúa Nguyễn Hoàng sinh năm 1525, là con trai thứ của An Thành hầu Nguyễn Kim, người đã phò vua Lê Trang Tông để trung hưng lại nhà Lê từ năm 1533; nổi tiếng là một vị tướng tài, văn võ kiêm toàn, được vua Lê phong tước Đoan Quận Công. Năm Mậu Ngọ (1558), mang sứ mệnh của vua Lê vào trấn nhận xứ Thuận Hóa, khi ấy nổi tiếng còn là vùng đất "Ô châu ác địa", Nguyễn Hoàng đã thể hiện rõ tài năng, bản lĩnh phi thường của mình. Chỉ trong 10 năm trấn nhậm ở đây, với chính sách khoan hòa rộng mở, biết hội nhập và kế thừa, biết sử dụng nhân tài giúp sức, ông đã biến Thuận Hóa thành một xứ sở trù phú, giao thương tấp nập, một trung tâm, chính trị, văn hóa mới ở phương Nam.

Từ năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê tin cậy giao phó kiêm quản thêm đất Quảng Nam. Từ đấy ông càng có cơ hội kiến tạo Thuận - Quảng thành vùng đất giàu mạnh. Ông đã xây dựng một chính quyền địa phương có kỷ luật nghiêm minh, lấy an cứ lạc nghiệp của dân làm gốc, dung đãi sĩ chiêu hiền tài làm trọng. Bên cạnh đó, Nguyễn Hoàng còn coi trọng việc giáo hóa đạo đức, đề cao Phật giáo và sử dụng Phật giáo Đại Thừa làm công cụ tư tưởng để cố kết xã hội. Ông đã cho xây dựng nhiều chùa lớn như Thiên Mụ, Sùng Hóa (Thuận Hóa), Long Hưng (Duy Xuyên, Quảng Nam), Bảo Châu (Trà Kiệu, Quảng Nam), Kính Thiên (Lệ Thủy, Quảng Bình)...

Năm 1600, trở về từ đất Bắc sau 8 năm giúp vua Lê bình định nhà Mạc, thấy rõ sự lộng hành của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng càng chuyên tâm xây dựng đất Thuận Quảng để làm cơ sở "vạn đại dung thân" cho con cháu họ Nguyễn. Nguyễn Hoàng cũng là vị chúa đầu tiên bắt đầu công cuộc Nam tiến bằng việc mở rộng lãnh thổ đến tận Đèo Cả (năm 1611), sau đó tập trung khai phá và xây dựng vùng đất phía Nam ngày càng ổn định, trù phú. Ông đã đặt cơ sở vững chắc để hình thành một sự nghiệp to lớn ở Đàng Trong mà các đời chúa tiếp theo kế thừa.

Nguyễn Hoàng mất vào mồng 3 tháng 6 âm lịch năm Quý Sửu (1613), ban đầu an táng tại núi Thạch Hãn, Hải Lăng Quảng Trị, về sau cải táng tại núi La Khê, Hương Trà, Thừa Thiên. Ông được vua Gia Long truy tôn thụy hiệu Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế, dựng Thái Miếu để thờ, đặt tên lăng là Trường Cơ. Tuy xuất thân là võ tướng, cả đời ra sức phò vua dẹp giặc, chăm lo xây dựng cơ nghiệp cho hậu thế, khi mất vẫn là một danh tướng của nhà Lê nhưng Nguyễn Hoàng được nhân dân vùng Thuận Quảng tôn vinh, gọi là Chúa Tiên, thờ tự như người có công lao hàng đầu, như vị Thành Hoàng của xứ Đàng Trong...


Quốc Việt
Tổng Giám đốc UNESCO thăm cố đô Huế
Tổng Giám đốc UNESCO thăm cố đô Huế

Ngày 23/6, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, tham quan quần thể Di tích cố đô Huế, di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của thế giới đã được UNESCO công nhận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN