Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 được công nhận là di tích quốc gia

Tối 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khánh thành và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.

Chú thích ảnh
Tỉnh Cà Mau đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thế Châu đã thay mặt đảng bộ, nhân dân địa phương đón nhận Bằng xếp hạng quốc gia “địa điểm tập kết ra Bắc cuối 1954 đầu 1955” do Bộ trưởng Bộ  Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trao tặng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại phát biểu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại nhấn mạnh, Sông Ðốc là cửa biển lớn nhất và sầm uất nhất tỉnh Cà Mau. Cách đây 70, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, cửa Sông Ðốc này được chọn làm bến tập kết, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, xây dựng hậu phương vững chắc, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Để tri ân công lao, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông trên hành trình cứu nước, đóng góp của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Ðảng bộ tỉnh Cà Mau đã huy động nguồn lực, xây dựng Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời. Đây là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam son sắt, thuỷ chung và là công trình chào mừng Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Chú thích ảnh
Bến sông Đốc 70 năm sau ngày tập kết. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Nằm bên bờ Nam sông Ông Ðốc, tượng đài được xây dựng với chiều dài 25m, cao 10,5m, rộng 8,5m, chất liệu là đá granite. Hai bên thân tàu được trang trí bằng các bức phù điêu cách điệu, thể hiện hình ảnh tiễn đưa xúc động, đầy lưu luyến nhưng tất cả đều nguyện một lòng hoàn thành nhiệm vụ được Ðảng phân công, hẹn ngày Bắc - Nam sum họp, thống nhất Tổ quốc. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ như khu vực tổ chức sự kiện, cầu cạn, đường đấu nối vào tượng đài, bãi đậu xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật có liên quan kết hợp với dự án kè bảo vệ bờ biển, cảng thuỷ nội địa để phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa… Cụm công trình có quy mô xây dựng trên diện tích hơn 10 ha, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. 

Chú thích ảnh
Bờ Nam bến sông Đốc, phía xa là trung tâm thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tỉnh Cà Mau xác định, đây là công trình quan trọng, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hoá sâu sắc, là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết hai miền Bắc - Nam. Hơn hết, đây còn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, là địa điểm nhân dân, du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử. Đối với thị trấn Sông Đốc, công trình sẽ là điểm nhấn nổi bật của đô thị biển sầm uất bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gia tăng kết nối với các công trình khác để phục vụ sinh hoạt văn hoá, du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau: Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử
Sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau: Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024), ngày 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo khoa học “200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN