Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là phiên họp đầu tiên sau khi Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được kiện toàn tại Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg Quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Phiên họp cũng diễn ra trong tuần làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thể hiện tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay.
Đề nghị các đại biểu trao đổi, đánh giá tình hình phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, một trong những chủ trương lớn được quán triệt tại Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Trong khâu này, việc phổ biến, giáo dục pháp luật là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Hội đồng có tới 39 thành viên là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành đơn vị chủ chốt của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận về định hướng triển khai nhiệm vụ của Hội đồng trong giai đoạn 2022-2026; nhiệm vụ cụ thể của năm 2022; thảo luận về các giải pháp đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính thực chất của Hội đồng; đặt ra nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể với từng thành viên của Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp thời gian qua và nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan thường trực của Hội đồng) Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết, kể từ khi được thành lập năm 2003 đến nay, Hội đồng đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật. Ở cấp Trung ương, Hội đồng đã tham mưu, xây dựng thể chế về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; từ đó, 9 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, tổ chức thực hiện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Ở cấp địa phương, 46/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của UBND cấp tỉnh quy định về bảo đảm nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cùng với đó, Hội đồng Trung ương đã chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đó, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật trọng tâm hàng năm được xác định theo nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản mới thông qua, ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của đất nước...; vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; các điều ước quốc tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia ký kết có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Nhiều địa phương còn chủ động ban hành văn bản riêng hướng dẫn phổ biến vấn đề dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn, định hướng lựa chọn nội dung phổ biến giáo dục pháp luật theo từng tháng, quý...
Hội đồng cũng tích cực tham mưu xây dựng, hướng dẫn thực hiện chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong năm 2021, năm tổng kết thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, có 100% các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 63/63 địa phương đã tổng kết thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn này. Các đề án được thực hiện đúng tiến độ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt và tổ chức hiệu quả Đề án truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027, Đề án chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022-2027.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật theo phương châm tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp; lấy việc nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật làm thước đo hiệu quả cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế; quan tâm thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã trao đổi về vai trò của cơ quan thường trực trong kết nối với các thành viên, vai trò chủ động phối hợp của từng thành viên trong Hội đồng; một số nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại thời gian qua như nguồn kinh phí, nhân lực, việc đa dạng hóa nguồn lực triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, các đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để Hội đồng triển khai nhiệm vụ tốt nhất, tham mưu cho Chính phủ với công tác này.
Tăng cường cơ chế phối hợp
Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ghi nhận, đánh giá cao báo cáo của Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Cơ bản thống nhất kết quả đạt được của Hội đồng thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là cơ sở để tiếp tục triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Phó Thủ tướng đề nghị cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa cơ quan thường trực Hội đồng là Bộ Tư pháp với các thành viên trong Hội đồng, giữa các thành viên trong Hội đồng với nhau; trong đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng thành viên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Về nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị tiếp tục bổ sung những công việc chi tiết của Hội đồng đối với từng bộ, ngành. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét thẩm quyền của Hội đồng để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Hội đồng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bộ Tài chính tập trung tháo gỡ về cơ chế tài chính, nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các địa phương không cân đối đủ ngân sách, địa phương ở vùng sâu, vùng xa.
Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động-Thương binh và Xã hội quan tâm, triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng công tác chuyển đổi số, tập trung dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Ngoại giao tăng cường triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người Việt Nam nước ngoài, với cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các tổ chức chính trị xã hội cũng có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật tới cộng đồng và từng người dân; góp phần vào công tác huy động nguồn lực xã hội tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.