Trung Quốc có hành động leo thang mới ở Biển Đông

Ngày 5/6, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông. Chủ trì họp báo và trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế có: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN


Mở đầu cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: Đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương – 981 vào hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có những tàu quân sự vào khu vực này và có những hành vi hung hăng, ngang ngược, đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng thực thi pháp luật và cả ngư dân Việt Nam. Việt Nam đã kiên trì trao đổi tiếp xúc ở nhiều cấp khác nhau với Trung Quốc, kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước; kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời ngừng ngay các hành vi gây căng thẳng ở khu vực. Quyết tâm và những thiện chí đó của phía Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục, thậm chí có những hành vi hung hăng hơn, gây ra những sự việc hết sức nghiêm trọng ở thực địa, đồng thời liên tục đưa ra luận điệu vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam, rêu rao về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa, mà trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

"Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi tổ chức họp báo quốc tế hôm nay để tiếp tục cập nhật về các thông tin trên thực địa, về các sự kiện hết sức nghiêm trọng vừa diễn ra ở thực địa, đồng thời thông báo về tình hình và những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết hòa bình vấn đề này", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Tại cuộc họp báo, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia thống kê: Sau hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đã có trên 30 cuộc trao đổi dưới nhiều hình thức khác nhau giữa hai bên. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế cũng như cách ứng xử của Việt Nam, đồng thời lên tiếng mạnh mẽ phê phán những việc làm sai trái của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc đã không những không dừng lại các hoạt động bất hợp pháp của mình, mà còn phản ứng tiêu cực, có những lời lẽ vu cáo, xuyên tạc, đổ lỗi cho Việt Nam.

Các phóng viên quốc tế tham gia buổi họp báo.


Nghiêm trọng hơn, trên thực địa, Trung Quốc đã có hành động leo thang mới: Mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981, di chuyển đến vị trí mới có tọa độ 15 độ 33 phút 38 giây Bắc/111 độ 34 phút 62 giây Đông, nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc đồng thời gia tăng tàu hộ tống các loại, có lúc lên tới gần 140 tàu, hoạt động bất hợp pháp trên vùng biển của Việt Nam, trong đó có nhiều tàu quân sự (tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ và nhiều máy bay chiến đấu) đến hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương - 981.

Các tàu của Trung Quốc đã có những hành vi hết sức hung hăng, chủ động tấn công, cố tình đâm va và dùng vòi rồng công suất cao phun vào các tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; làm bị thương nhiều cán bộ kiểm ngư của Việt Nam và gây hư hỏng nhiều tàu, thiết bị của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5/2014, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá số hiệu ĐNa 90152 của Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách giàn khoan 17 hải lý, làm cho tình hình hết sức căng thẳng. Nghiêm trọng hơn, các tàu của Trung Quốc đã có hành vi vô nhân đạo, ngăn cản các tàu của Việt Nam đến cứu hộ các ngư dân của tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Ngày 1/6, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu CSB 2016 của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của Việt Nam. Hành động nêu trên của Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế; gây bất bình trong dư luận và nhân dân Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối những hành động này. Ngày 23/5/2014, lần thứ 2 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để hai bên tiến hành đàm phán xác định tính pháp lý khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981. Nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn lảng tránh, không trả lời công hàm của Việt Nam. Ngày 4/6/2014, lần thứ 3 Bộ Ngoại giao Việt Nam đã một lần nữa trao Công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tàu Trung Quốc chủ động đuổi theo đâm vào tàu chấp pháp của Việt Nam ngày 1/6. Ảnh: Sơn Bách - TTXVN


Ông Hải nhấn mạnh: “Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế và các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế với tinh thần công tâm, khách quan, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc, bảo vệ chính nghĩa và công lý”.

Phát biểu tại họp báo, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam cho biết: Hàng ngày, Trung Quốc sử dụng từ 30 - 137 tàu để bảo vệ khu vực giàn khoan, trong đó có 6 dạng tàu chiến như: Khu trục tên lửa (số hiệu 169, 170); Hộ vệ tên lửa (số hiệu 523, 534, 571, 572); Tên lửa tấn công nhanh (số hiệu 752, 753); Tuần tiễu săn ngầm (số hiệu 787, 789); Quét mìn (số hiệu 839, 840, 842, 843); Vận tải đổ bộ (số hiệu 989, 998, 999). Ngoài ra còn có từ 33-42 tàu gồm: Hải cảnh, Hải tuần, Hải giám, Ngư chính; từ 9-11 tàu kéo và dịch vụ; từ 20-22 tàu vận tải; từ 1-3 tàu dầu và từ 15-60 tàu cá. Ngày cao điểm Trung Quốc sử dụng 137 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan. Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng máy bay tuần thám, trực thăng (số hiệu 8321, 3808, 3586, 9401 B.7112, B.7115); máy bay cánh bằng, dạng cảnh báo sớm (KJ200-9421); máy bay trinh sát dạng TU-154 (81223) bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 100-1000m.

Lực lượng bảo vệ Trung Quốc chia làm 3 vòng: Vòng trong, vòng giữa, vòng ngoài, đồng thời luôn bố trí từ 9-12 tàu bám sát các tàu Việt Nam, sẵn sàng ngăn cản, đâm va ở khoảng cách từ 10-12 hải lý so với giàn khoan. Tổng hợp từ ngày 3/5 đến nay, các tàu Trung Quốc đã đâm va, phun nước gây thương tích cho 12 kiểm ngư viên và làm hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trong đó có 5 tàu Cảnh sát biển và 19 tàu Kiểm ngư.

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam 2016 bị tàu Trung Quốc đâm thủng nhiều lỗ. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN


Đại diện lực lượng Kiểm ngư, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin: Tính từ ngày 7/5/2014 đến nay, trong quá trình sản xuất bình thường trên ngư trường truyền thống tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đã có 12 tàu cá của Việt Nam bị các tàu Trung Quốc cản trở, uy hiếp, phá hoại tài sản, đối xử thô bạo với ngư dân Việt Nam. Ông Hà Lê và ông Ngô Ngọc Thu đều khẳng định, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, tiến hành thực thi pháp luật, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép của giàn khoan và các tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam. Biện pháp chủ yếu là tiếp cận, sử dụng loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rời giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam; ghi lại các bằng chứng, tư liệu về sự hung hăng, ngang ngược để đấu tranh với Trung Quốc trên tất cả các kênh. Các tàu Cảnh sát biển Việt Nam nhiều lần tiếp cận giàn khoan của Trung Quốc tổ chức tuyên truyền bằng 3 thứ tiếng (Việt Nam, Trung Quốc, Anh) yêu cầu các lực lượng của Trung Quốc rời khỏi vùng biển Việt Nam.


Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm Ngư Việt Nam đã kiềm chế nhưng kiên quyết, kiên trì, thực hiện nghiêm đối sách, chủ động cơ động, vòng tránh trước hành động khiêu khích đâm va của các tàu Trung Quốc. Các tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam chỉ phát loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tiếp tục đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, các vị chủ trì đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế; khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cũng như Hiến chương Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao với Trung Quốc để cố gắng giải quyết vấn đề này, đồng thời cân nhắc các biện pháp tiếp theo để giải quyết và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam.

Về tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế phản đối những việc làm sai trái của Trung Quốc, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ như vậy đối với tình hình xảy ra trên Biển Đông, trong nhiều năm trở lại đây. Tiếng nói của cộng đồng quốc tế có vai trò hết sức quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông cũng như ngăn chặn những hành động leo thang mới của Trung Quốc. Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục có những tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn những hành động leo thang mới của Trung Quốc.

Liên quan đến nội dung của Hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN+3 và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại Myanmar trong thời gian tới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình cho biết, tại các cuộc họp này, ngoài các nội dung quan trọng như kiểm điểm quá trình tiến hành và thực thi các lộ trình để tiến tới cộng đồng ASEAN 2015, bàn các biện pháp để xây dựng lòng tin, cũng như các biện pháp liên quan đến ngoại giao phòng ngừa... vấn đề Biển Đông cũng sẽ được đề cập. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực là lợi ích, là nghĩa vụ của các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, vấn đề Biển Đông và các vấn đề căng thẳng ở khu vực cũng sẽ được bàn thảo ở hội nghị lần này ở mức độ phù hợp.

Về việc các nước trong nhóm phát triển công nghiệp G7 vừa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hành vi, cũng như các căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, Người Phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh sự việc này đồng thời phản đối hành động đơn phương của một nước đòi yêu sách chủ quyền thông qua việc đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực; bày tỏ mong muốn các quốc gia, các tổ chức quốc tế tiếp tục có những tiếng nói mạnh mẽ, những hành động thiết thực để đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.


Đỗ Quyên – Thanh Hải

Trung Quốc đáp lại thiện chí của Việt Nam bằng hành động hung hăng
Trung Quốc đáp lại thiện chí của Việt Nam bằng hành động hung hăng

Hơn một tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển Việt Nam, Việt Nam đã kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hành động gây căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí này, Trung Quốc tiếp tục có những hành vi hung hăng hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN