Dự báo mưa kéo dài đến ngày 20/10, trọng điểm mưa lớn tại Hà Tĩnh đến Phú Yên từ ngày 17 - 19/10. Vì vậy, sáng 15/10, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó với mưa lũ và áp thấp nhiệt đới.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết: Từ ngày 15 - 16/10, khu vực đồng bằng và Đông Bắc Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai và Bắc Trung Bộ có mưa to, lượng mưa 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Từ đêm 15/10, mưa lan xuống các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, áp thấp nhiệt đới ở miền Trung Philippines đã đi vào Biển Đông lúc 8 giờ ngày 15/10 với tốc độ di chuyển tương đối nhanh và có khả năng hình thành bão số 8.
Tuy nhiên, ông Mai Văn Khiêm nhận định, hiện nay, nhiều mô hình dự báo cho thấy áp thấp nhiệt đới chỉ có 50 - 60% khả năng mạnh thành bão, nếu không khí lạnh tràn xuống khống chế trước, bão sẽ không xuất hiện. Nhưng từ ngày 15 - 20/10, áp thấp nhiệt đới khi kết hợp với nhiều hình thái khác có thể gây ra một đợt mưa rất lớn cho khu vực Trung Bộ, trọng tâm mưa từ Hà Tĩnh đến Phú Yên.
Cụ thể, dải hội tụ nhiệt đới vắt qua Trung Trung Bộ đang hoạt động mạnh, đến ngày 16/10, không khí lạnh tăng cường, bổ sung trực tiếp vào khu vực Trung Trung Bộ với cường độ khá mạnh, gây mưa. Ngoài ra, áp cao cận nhiệt đới cũng đang tồn tại, đây chính là hình thái điển hình tạo ra nhiễu động gió Đông trên cao, gây ra các đợt mưa lớn diện rộng tại Trung Bộ. Cùng với đó, gió Tây Nam đang hoạt động tương đối mạnh so với bình thường, có thể tạo ra nguồn ẩm lớn từ vịnh Bengal đưa lên. Sự kết hợp giữa áp thấp nhiệt đới đang hoạt động với những hình thái trên gây ra mưa lớn liên tục trong các ngày 16 - 20/10. Sau ngày 20/10, khi áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền và suy yếu, mưa tiếp diễn ở Bắc Bộ và Trung Trung Bộ với lượng 100 - 150 mm. Thời gian này, mưa ở Trung Bộ chủ yếu bị khống chế bởi không khí lạnh.
Trước những nhận định về diễn biến mưa ở Trung Bộ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới tương tác với các hình thế thời tiết khác để có chỉ đạo sát thực tế, hiệu quả; trong đó cần lưu ý theo dõi chặt chẽ vận hành xả lũ của 4 hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Thác Bà; tiếp tục tiêu nước đệm, đốc thúc thu hoạch vụ lúa mùa. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn do mưa lũ ở miền Trung; phát động chiến dịch hỗ trợ, cứu nạn… rà soát đánh giá thiệt hại, hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương ở khu vực ảnh hưởng mưa lũ, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng.
Về việc hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai tại khu vực Trung Bộ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổng hợp và gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dự trữ nhà nước, Cục Thú ý nhu cầu cứu trợ khẩn cấp lương thực, thuốc, hóa chất lọc nước, khử trùng phòng, chống dịch bệnh, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Cụ thể gồm: 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm, 300 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất PAC, 119 xuồng các loại, 81 máy phát điện, 257 nhà bạt, 17.420 phao…
Nhấn mạnh trong 10 ngày qua, miền Trung liên tục hứng chịu thiên tai dị thường xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, dồn dập Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá, công tác chỉ đạo, điều hành đã thực sự quyết liệt, từ Trung ương đến địa phương đã tập trung cao độ công tác ứng phó, nhờ đó, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai dị thường dồn dập. Toàn bộ tuyến biển cơ bản đã đảm bảo ứng phó, toàn bộ hệ thống hồ đập cơ bản đảm bảo an toàn, không có sự cố. Sản xuất toàn vùng cơ bản hè thu và lúa mùa được thu hoạch, thiệt hại đến sản xuất nhìn chung ở mức độ nhỏ…
Tuy nhiên, hoàn lưu cơn bão số 7 sẽ còn tác động gây mưa lớn, cùng với đó là áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các địa phương rà soát để hướng dẫn sản xuất, giảm thiểu thiệt hại cho nông nghiệp, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, không được chủ quan, phải theo dõi chặt chẽ hệ thống hồ; đặc biệt là hồ thuỷ điện, thuỷ lợi; đảm bảo dự trữ nước cho mùa khô năm sau. Bên cạnh đó, các địa phương tổng rà soát các thiết chế hạ tầng, đê biển để kịp thời khắc phục, chuẩn bị để ứng phó những đợt thiên tai sẽ xảy ra thời gian tới.