Trong phiên sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trên diễn đàn Quốc hội sáng 26/5 ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều về phiên tòa xét xử vụ án làm 9 người tử vong khi chạy thận nhân tạo, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng sự quan tâm của các đại biểu về vụ án là cần thiết và thể hiện trách nhiệm trước cử tri; tuy nhiên, việc kết luận có oan, sai với bác sĩ Hoàng Công Lương, thậm chí dẫn dắt dư luận nói có tội hoặc không có tội là rất cảm tính, thiếu cơ sở.
Theo đại biểu, Tòa án đang trong quá trình tranh tụng, luận tội chứ chưa kết án, "những phát ngôn như vậy không mang lại sự thuận lợi và nhận thức đúng đắn trong xét xử nhân danh pháp luật, Nhà nước”. Sau ý kiến này, nhiều đại biểu đã bấm nút tranh luận với quan điểm của đại biểu Sinh. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp cho biết, còn nhiều đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận xung quanh nội dung trên, song do vụ án đang trong giai đoạn tố tụng "nên chờ phán quyết của tòa án".
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về dự thảo Nghị quyết, trong đó tập trung vào những vấn đề: thực hiện phân chia nguồn thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước phát sinh 4 tháng cuối năm 2017; xử lý nghĩa vụ của ngân sách Nhà nước đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng góp bảo hiểm xã hội cho người lao động làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1/1/1995. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Thị Dung phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Tại phiên chiều, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với khoản nợ nêu trên, trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỷ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỷ đồng. Đồng thời, tính lãi đối với khoản nợ này từ ngày 1 tháng 1 năm 2016.
Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản nhất trí với lộ trình phát hành trái phiếu như Chính phủ đề nghị. Đối với số lãi phát sinh, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để nhận nợ với Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam phù hợp với thực tế hoặc sẽ được cộng dồn vào năm 2020 để thanh toán.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến và tranh luận, đề nghị Chính phủ giải trình rõ tính hợp lý của việc tính lãi từ thời điểm 1/1/2016. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng cần tính lãi từ thời điểm năm 2006, khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 có hiệu lực thì mới thỏa đáng, vì đây là quyền lợi của người lao động.
Thứ hai, ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.