Tổng hợp COVID-19 từ 12-18/7: Nhiều tỉnh thành thực hiện các biện pháp cấp bách phòng dịch từ ngày 19/7

Trong tuần, một loạt thông tin nóng liên quan đến các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch COVID-19 như: 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19; Hà Nội triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 từ 0 giờ ngày 19/7; dừng toàn bộ đường bay nội địa tới Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá; Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ 12-18 tuổi...

 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội

Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công văn số 969/TTg-KGVX gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương.

Công văn nêu rõ, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với các địa phương.

Theo đó, cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện, bổ sung 16 tỉnh, thành phía Nam gồm: thành phố Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội là 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0 giờ 00 phút ngày 19/7/2021.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, đồng thời lưu ý, kiên quyết không để "chặt ngoài, lỏng trong”; xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

19 tỉnh, thành phố phía Nam triển khai '2 mũi giáp công' linh hoạt để chống dịch COVID-19

Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, có mức độ nguy cơ dịch bệnh rất cao. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nặng luôn được đông đảo bác sĩ túc trực chăm sóc.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 18/7, tại trụ sở Chính phủ.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định, đến nay, tình hình dịch bệnh ở một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang đang được kiểm soát. Đối với khu vực miền Trung, một số địa phương như Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng… tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu phức tạp hơn với những ổ dịch mới, đòi hỏi các lực lượng phải tập trung khoanh vùng, dập dứt điểm.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận vẫn diễn biến phức tạp, nếu không tập trung kiểm soát thật tốt dẫn tới hệ thống y tế quá tải. Các chuyên gia nhấn mạnh, nguy cơ hiện hữu dịch từ TP Hồ Chí Minh có khả năng lây lan rộng hơn ra các tỉnh khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg với 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần phân loại thành 2 nhóm. Thứ nhất, nhóm những địa phương tương đối an toàn (khu vực Nam sông Hậu và Bình Phước) cần tiếp tục thực hiện chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - truy vết - khoanh vùng - dập dịch và điều trị” như các địa phương đang kiểm soát được dịch. Nhóm thứ hai gồm các địa phương có lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…, cần có giải pháp và cách làm mới phù hợp hơn.

Hà Nội triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 từ 0 giờ ngày 19/7

Chiều 18/7, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Công điện số 15/CĐ-UBND áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7/2021 trên địa bàn.

Theo đó, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Người dân Thủ đô được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài. Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.

Đối với các cơ quan, công sở của Thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tùy theo điều kiện, tính chất hoạt động của cơ quan, đơn vị mà bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phù hợp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hạn chế tối đa hoạt động trực tiếp, chuyển sang hình thức làm việc, giao dịch trực tuyến.

Ngày 18/7, Việt Nam ghi nhận 5.926 ca mắc mới COVID-19

Tính đến 19 giờ 30 ngày 18/7, Việt Nam có tổng cộng 51.771 ca ghi nhận trong nước và 2.059 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 50.201 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 12 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Dừng toàn bộ đường bay nội địa tới Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá

Cục Hàng không Việt Nam (HKVN-Bộ GTVT) chiều 18/7 có văn bản yêu cầu dừng tất cả các đường bay nội địa chở khách đi, đến các cảng hàng không Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cà Mau (Cà Mau), Rạch Giá (Kiên Giang). Các cảng hàng không khác chỉ khai thác ở mức tối thiểu.

Chú thích ảnh
Dừng toàn bộ đường bay nội địa tới Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá.

Đối với đường bay Phú Quốc-Hà Nội, Cần Thơ-Hà Nội chỉ khai thác 1 chuyến/ngày/đường bay bằng máy bay A321, giao Vietnam Airlines khai thác. Riêng ngày 19/7, Vietnam Airlines không có kế hoạch bay, giao Bamboo Airways khai thác 2 chặng bay này.

Đối với đường bay TP Hồ Chí Minh-Hà Nội và ngược lại đang khai thác 13 chuyến/ngày, với khoảng 4.500 khách; sẽ giảm tải cung ứng xuống còn 1.700 ghế/chiều/ngày, phân bổ mở bán cho các hãng: Vietnam Airlines tối đa không quá 700 ghế/chiều/ngày; Pacific Airlines tối đa không quá 200 ghế/chiều/ngày; Bamboo Airways và Vietjet Air tối đa không quá 400 ghế/chiều/ngày/hãng.

Với đường bay Phù Cát-TP Hồ Chí Minh sẽ khai thác 2 chuyến/ngày; Buôn Ma Thuột-TP Hồ Chí Minh 1 chuyến/ngày; Cam Ranh-TP Hồ Chí Minh 2 chuyến/ngày; Đà Nẵng-TP Hồ Chí Minh 2 chuyến/ngày.

Riêng với các chuyến bay chở hàng sẽ không hạn chế khai thác. Đối với các chuyến bay ngoài kế hoạch, các chuyến bay phục vụ mục đích y tế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố liên quan.

Thời gian áp dụng quy định này từ 0 giờ ngày 19/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021 (14 ngày).

Pfizer cam kết cung ứng bổ sung 20 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ 12 - 18 tuổi

Bộ Y tế và Pfizer Việt Nam đã đạt được thoả thuận về việc Pfizer cung ứng bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi.

Sáng ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với ông John Paul Pullicino - Tổng giám đốc Công ty TNHH Pfizer Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã thoả thuận, đàm phán ban đầu với Pfizer về việc cung ứng, bổ sung cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin COVID-19 để tiêm chủng cho trẻ em từ 12 -18 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này.

Phía Pfizer cam kết đảm bảo cung ứng 20 triệu liều vắc xin này trong quý IV/2021 để Việt Nam kịp thời triển khai tiêm chủng. Bộ Y tế đánh giá đây là tín hiệu tốt trong tình hình hiện nay. Thông tin từ cuộc họp cũng cho biết, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều vắc xin COVID-19 trong tháng 7; 3,4 triệu liều trong 2 tháng 8 và 9. Tiếp đó, khoảng 27 triệu liều vắc xin còn lại sẽ được cung ứng trong quý IV/2021. Như vậy, cùng với 20 triệu liều vắc xin COVID-19 bổ sung để tiêm cho trẻ em, tổng cộng trong quý IV/2021, Pfizer sẽ cung ứng khoảng 47 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam.

Ngành công thương và nông nghiệp chịu trách nhiệm trước nhân dân không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Sáng 18/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã họp trực tuyến với các Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường phía Nam nhằm tìm giải pháp đảm bảo hàng hóa thiết yếu chuẩn bị cho việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố từ 0 giờ ngày 19/7.

Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng. Có những thời điểm người dân rất bức xúc vì hàng hóa cung ứng không kịp thời do các chợ đầu mối đã dừng hoạt động, chỉ còn các siêu thị và cửa hàng tiện lợi mở cửa.

Đối với lực lượng phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân, mỗi ngày có từ 200.000 - 210.000 người hoạt động trong các chợ đầu mối. Tuy nhiên, những ngày qua chỉ có 2.000 người hoạt động ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Các vùng ven đô xung quanh TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách nên xảy ra thiếu hụt và đứt gãy nghiêm trọng nguồn lao động.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, lúc này cần tạo sự thông suốt thị trường bởi thực tế dịch bệnh diễn biến rất nhanh nên địa phương phải nắm chắc tình hình, đi xuống địa bàn, vùng nguyên liệu lớn để nắm thông tin, xử lý thông tin, kết nối thông tin cung cầu hàng hóa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh tới 3 khâu thu hoạch, vận chuyển và phân phối phải cùng kích hoạt để thực hiện, cùng ngồi với nhau để xử lý vướng mắc.

Vì thế các đơn vị phải phối hợp đồng thời giữa việc điều tiết của thị trường và Nhà nước, khi tình thế khó khăn hơn Nhà nước phải nắm vai trò điều tiết thị trường, cho lực lượng tham gia vào vận chuyển, phân phối hàng hóa.

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, diễn biến dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực Nam đang rất phức tạp và tình hình có thể nghiêm trọng hơn trong các ngày tới. Vì vậy, việc cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu là nhiệm vụ lớn nên cần xác định tâm thế đây là "thời chiến" chứ không phải trong điều kiện bình thường.

Chú thích ảnh
XC/Báo Tin tức
Những người được hỗ trợ và các mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng
Những người được hỗ trợ và các mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), sau 2 tuần ban hành Nghị quyết 68 và hướng dẫn tại Quyết định 23, hiện Sở LĐTBXH các tỉnh, thành lập kế hoạch, rà soát lên danh sách những đối tượng và mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, cũng như phương án để trình UBND ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN