Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chia sẻ những tổn thất to lớn về người và tài sản mà Chính phủ và nhân dân Nhật Bản phải hứng chịu trong thảm họa động đất vào những ngày đầu năm 2024 tại tỉnh Ishikawa và khu vực xung quanh miền Trung Nhật Bản; cảm ơn Thứ trưởng Komura cùng dự khai mạc Lễ hội Ikebukuro ngày 6/4 nhằm quyên góp ủng hộ các nạn nhân của động đất, coi đây là minh chứng sinh động cho tình cảm hữu nghị, chân thành giữa nhân dân hai nước.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất với dấu mốc lịch sử là việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2023; trân trọng cảm ơn Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phối hợp tổ chức thành công các đoàn lãnh đạo cấp cao hai nước sang thăm và làm việc thời gian qua và đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2024; mong muốn phía Nhật Bản tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các dự án phát triển của Việt Nam. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập thời gian qua, đề nghị tiếp tục quan tâm hỗ trợ thời gian tới, trong đó có việc đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura bày tỏ những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3 vừa qua; nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời tăng cường giao lưu nhân dân, coi đây chính là nền tảng quan trọng của quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Thứ trưởng Komura khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong năm 2024. Ông bày tỏ vui mừng vì những dự án ODA do phía Nhật Bản tài trợ đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; khẳng định cá nhân ông sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa các dự án ODA tới Việt Nam; đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy các dự án đang triển khai.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật Nhật Bản, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản tuân thủ tốt luật pháp sở tại. Hiện có khoảng 520.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản và khoảng 23.000 người Nhật Bản sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì tọa đàm với các chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Nhật Bản. Tham dự tọa đàm có bà Vũ Nhật Hà - Bí thư thứ nhất, đại diện của Bộ Kế hoạch Đầu tư; ông Nguyễn Đức Minh - Tham tán, đại diện Bộ Khoa học Công nghệ; và đại diện Hội Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản (AVIJ), Hội Chuyên gia Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, Hội cựu sinh viên Đại học Bách Khoa tại Nhật Bản, Hội cựu sinh viên Đại học Hà Nội tại Nhật Bản, Hội cựu sinh viên Đại học Ngoại thương tại Nhật Bản...
Thay mặt AVIJ, anh Tạ Việt Phương, Chủ tịch hội, cho biết AVIJ được thành lập năm 2019 với mục tiêu kết nối các cá nhân và nhóm trí thức của người Việt tại Nhật Bản. Hội hiện có 5.000 thành viên, tập trung trong các lĩnh vực cố vấn thuế, kinh doanh, công nghệ cao, công nghệ thông tin. Hội đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện văn hóa, thể thao kết nối cộng đồng, gần đây nhất là Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản các năm 2019, 2021 và 2023 với nhiều sáng kiến, ý tưởng mong muốn đóng góp cho đất nước; đặc biệt đã vận động được hơn 2.000 suất học bổng cho du học sinh và hơn 100 triệu yen từ các nhà tài trợ.
Chị Phùng Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hội Chuyên gia Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, chia sẻ tuy mới được thành lập (tháng 4/2018), nhưng hội đã quy tụ được 65 thành viên cốt cán và hàng nghìn người tham gia. Ngoài kết nối cộng đồng những người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, hội còn tập trung hỗ trợ các sinh viên mới sang học, giúp các bạn tìm hiểu về chính sách, pháp luật của Nhật Bản, tư vấn giải quyết những khó khăn mà sinh viên mới thường gặp phải và hỗ trợ tìm việc làm cho các sinh viên ra trường...
Anh Bùi Quang Huy, Giám đốc phụ trách công nghệ thông tin, Công ty Rikkei, phát biểu nhấn mạnh cộng đồng chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Nhật Bản hiện lớn mạnh cả về số lượng và vị thế, làm chủ hàng trăm doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin với doanh thu hàng trăm triệu USD; mong muốn được kết nối với cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên toàn thế giới, tạo sức mạnh Việt đóng góp cho đất nước.
Hiện nay, Công ty Rikkei có 1.700 nhân viên, riêng tại Nhật Bản có 300 người. Công ty có văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có chi nhánh ở Mỹ, Thái Lan và sắp tới là Hàn Quốc. Đây là công ty lớn thứ hai chỉ sau FPT và quy tụ rất nhiều kỹ sư công nghệ thông tin có thể đóng góp cho đất nước về lĩnh vực chuyển đổi số.
Chị Trâm Anh, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết, là một trong những hội đoàn của người Việt Nam được thành lập đầu tiên tại Nhật Bản (năm 2001), hiện hội có 12 chi hội trên toàn nước Nhật, với 2 mục tiêu chính là hỗ trợ sinh viên và lan toả văn hóa Việt Nam qua các ngày hội việc làm, giao lưu với các trường học Nhật Bản. Thời gian qua, hội đã tổ chức được nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, như dự án VYSA Charity Book thu thập sách, truyện từ cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế đang sinh sống tại Nhật Bản và bán lại dưới hình thức quyên góp tiền tùy tâm. Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động ý nghĩa này được đóng góp cho chương trình Nhịp Tim Việt Nam nhằm mang đến cơ hội chữa lành trái tim cho trẻ em nghèo tại Việt Nam.
Chị Nguyễn Quỳnh Hoa, đại diện cho Hội cựu sinh viên Đại học Bách Khoa tại Nhật Bản, cho biết hội có 400 thành viên, thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm về công nghệ và mời các diễn giả nổi tiếng để chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên ở sở tại. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức các giải thể thao như chạy marathon, bóng đá… để tăng cường gắn bó thành viên trong hội và cộng đồng.
Phát biểu tại tọa đàm, chị Lê Ngọc Thúy, Trưởng Ban tổ chức Hội cựu sinh viên Đại học Ngoại thương tại Nhật Bản, chia sẻ hội được thành lập năm 2014, hiện có 150 thành viên là chủ của nhiều doanh nghiệp, đã tổ chức được các chương trình kết nối doanh nghiệp trên toàn nước Nhật, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cũng như gắn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Tọa đàm diễn ra trong không khí rất sôi nổi và cởi mở với nhiều ý kiến chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động chuyên môn, văn hóa, thể thao, ngày hội việc làm, các hoạt động thiện nguyện nhằm quyên góp tiền ủng hộ đồng bào còn khó khăn ở trong nước.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng thay mặt Bộ Ngoại giao nhiệt liệt biểu dương các hoạt động kết nối, giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng doanh nhân, trí thức tại Nhật Bản, đặc biệt đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm của cộng đồng trong các hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương. Qua cuộc trao đổi, Thứ trưởng rất xúc động và vui mừng khi được gặp những gương mặt đại diện cho một thế hệ trẻ năng động, tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Bà bày tỏ sự đồng cảm vì đã từng làm việc cho Hãng thông tấn NHK của Nhật, nên rất hiểu và trân trọng sự cố gắng, nỗ lực của người Việt trẻ tại đây trong việc khẳng định mình để tiến tới thành công tại Nhật Bản.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định khát vọng vươn lên của Việt Nam không bao giờ hết và những đóng góp của trí thức tại Nhật Bản sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với đất nước. Thứ trưởng cũng phân tích nguồn lực kinh tế có thể từ đầu tư nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp, và đội ngũ trí thức có thể đóng góp cho quê hương bằng nguồn lực chất xám và công nghệ. Thứ trưởng mong muốn cộng đồng trí thức Việt tại Nhật Bản tiếp tục đoàn kết, phát huy các thế mạnh, có nhiều hoạt động tương tác, quảng bá nhiều hơn nữa về đất nước, con người Việt Nam để nâng cao hình ảnh tốt đẹp và vị thế của Việt Nam tại Nhật Bản.
Ghi nhận ý kiến đóng góp, tâm tư nguyện vọng của anh chị em cộng đồng doanh nhân và trí thức tại Nhật Bản, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và coi trọng nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, trong đó quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp tinh hoa này về nước sinh sống, làm việc, nghiên cứu. Trên cơ sở những đóng góp và kiến nghị ngày hôm nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tham mưu trong quá trình xây dựng, triển khai chính sách liên quan nhằm phát huy và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài dù ở đâu, làm gì cũng có thể đóng góp cho đất nước; quan tâm tới việc nâng cao địa vị pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng tại Nhật Bản; tổ chức các hoạt động nhằm kết nối người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước và trên toàn thế giới với nhau; tạo diễn đàn để người Việt Nam ở nước ngoài hiến kế, đóng góp ý tưởng cho sự nghiệp phát triển đất nước; duy trì bản sắc văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng và đoàn đã có buổi làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Tham dự buổi làm việc có Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Công sứ Nguyễn Đức Minh và Ban Công tác cộng đồng.
Thay mặt Ban Công tác cộng đồng báo cáo tình hình, Công sứ Nguyễn Đức Minh cho biết cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản là cộng đồng trẻ, đa dạng về thành phần; hiện có nhiều hội đoàn được thành lập như Liên hiệp Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Việt Nam, Hội Thanh niên Sinh viên, Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Việt ngữ và nhiều hội đoàn theo ngành nghề. Đời sống của người Việt Nam ở Nhật Bản cơ bản ổn định, thành phần chủ yếu là doanh nhân, trí thức làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Công tác cộng đồng được Đại sứ rất quan tâm chỉ đạo với sự tham gia của các bộ phận như Lao động, Giáo dục, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân luôn được ưu tiên, là nhiệm vụ thường xuyên của Đại sứ quán. Đại sứ khẳng định việc làm tốt công tác này sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng vững mạnh, là cầu nối hữu nghị trong quan hệ hai nước. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, sự cố gắng nỗ lực của tập thể cơ quan đại diện nên hiện nay các tổ chức hội người Việt Nam tại Nhật Bản đang từng bước được củng cố, thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đại sứ quán chủ động, thường xuyên khuyến cáo về động đất, lập đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ cho bà con. Trong năm 2023, Đại sứ quán đã tổ chức 20 lễ hội lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, tạo dấu ấn và hình ảnh tốt đẹp về con người Việt Nam với bạn bè Nhật Bản nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đánh giá kết quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài của Đại sứ quán đã góp phần vào việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp cho quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản; việc làm tốt công tác này sẽ hỗ trợ tốt cho công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng. Thứ trưởng đặc biệt biểu dương Đại sứ quán đã có nhiều hoạt động kịp thời bảo hộ công dân trong thiên tai, phối hợp xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh trong cộng đồng. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Đại sứ quán quan tâm đến công tác khen thưởng, động viên cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Thứ trưởng thông báo về các hoạt động lớn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian sắp tới, đề nghị Đại sứ quán tiếp tục triển khai, làm tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt quan tâm, chăm lo và hỗ trợ cộng đồng ổn định, phát triển và hướng về quê hương nguồn cội.