Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên - Bài cuối: Giải quyết sinh kế của người dân sống gần rừng

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng là một trong những biện pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép còn diễn ra ở một số địa phương, thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Chú thích ảnh
Rừng bị chặt, đốt để làm nương rẫy. 

Thực tế những năm qua, việc triển khai có hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại những tín hiệu tích cực, được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, đánh giá cao, mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện đời sống cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.   

Tại Kon Tum, năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã chi trả hơn 255 tỷ đồng cho ba nhóm đối tượng tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn là: Nhóm Chủ rừng; nhóm UBND các xã; nhóm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn. Riêng đối với nhóm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, nguồn quỹ đã chi trả hơn 32 tỷ đồng, giúp bà con, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

Mới đây, người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum phấn khởi đến trụ sở UBND xã nhận tiền chi trả từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Đây là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đăk Hà, với 92% là đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bà con nơi đây đã có thêm nguồn thu nhập, từng bước cải thiện đời sống. Năm 2019, toàn xã có 470 hộ được chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 3,6 tỷ đồng.

Anh A Rin, sinh năm 1977, trú thôn 8, xã Đăk Pxi cho biết, trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với các cây trồng như lúa, sắn, bời lời trên diện tích 8 ha. Vợ chồng anh có tới 7 người con nên dù vất vả làm việc, gia đình anh cũng không dư dả.

“Từ khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng, mình có thêm nguồn thu nhập để vừa trang trải sinh hoạt trong gia đình, vừa làm vốn sản xuất nông nghiệp như mua giống, bón phân. Năm nay, nhà mình có 20,85 ha rừng được chi trả với số tiền hơn 17,8 triệu đồng. Gia đình mình vui lắm, không phải lo lắng cái ăn, cái mặc mà còn mua được ti vi, xe máy nữa”, anh A Rin vui mừng nói.

Còn anh A Ngôn, sinh năm 1971, trú thôn 7, xã Đăk Pxi chia sẻ, gia đình anh có tới 12 người con, song quỹ đất canh tác nông nghiệp không có nhiều, chỉ khoảng 2 sào trồng lúa, nên không đủ ăn. Để có tiền trang trải sinh hoạt, các thành viên trong gia đình phải đi làm thuê, làm mướn. Từ khi tham gia dịch vụ môi trường rừng, gia đình anh đã có thêm nguồn thu nhập. Năm 2019, anh A Ngôn được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả số tiền 7,6 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh có thêm nguồn tiền để trang trải cuộc sống.

Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, khi chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì ý thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên, người dân biết lo lắng hơn cho diện tích rừng được giao khoán. Bên cạnh đó, khi có tiền dịch vụ môi trường rừng, đời sống của bà con đã nâng lên rõ rệt, họ sử dụng tiền để phát triển kinh tế, đầu tư con giống, cây giống, phân bón cho việc sản xuất nông nghiệp; chăm lo cho việc học hành của con cái đàng hoàng hơn, cuộc sống gia đình tốt hơn.

Chú thích ảnh
Người dân xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. 

Đối với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư thôn, các cộng đồng cũng chia tỉ lệ là 50% cho công tác tuần tra truy quét, 20% dành cho quỹ thôn để phục vụ các hoạt động chung của cộng đồng và 30% còn lại cho việc phát triển kinh tế. Năm 2020, xã Đăk Pxi phát triển dự án nuôi heo sọc dưa, được người dân đồng tình ủng hộ. Bà con sẽ vay vốn từ 30% tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư thôn để phát triển mô hình. Đây là một trong những dự án quan trọng để xã xây dựng các mô hình trang trại, kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để phát triển kinh tế mang tính bền vững.

“Năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo của xã là 64,37% thì đến cuối năm 2019 giảm xuống còn 42,5%. Tuy đây là kết quả chưa đạt so với kế hoạch đề ra, song để đạt được thành công trên có sự đóng góp không nhỏ từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, nền kinh tế của người dân đã từng bước được cải thiện, đa dạng giống cây trồng, vật nuôi”, ông Nguyễn Phúc Đoan chia sẻ.

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay Quỹ đã chi trả gần xong tiền dịch vụ môi trường rừng của năm 2019. Đặc biệt, toàn bộ tiền dịch vụ môi trường rừng được Quỹ thanh toán thông qua tài khoản của từng hộ gia đình, cá nhân được đơn vị mở tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh Kon Tum, sau đó phối hợp với ngân hàng chi trả lưu động tại UBND các xã, đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả và người dân thuận tiện hơn trong việc nhận chi trả. Ngoài ra, tại các buổi chi trả lưu động, người dân sẽ làm quen với các ngân hàng, đồng thời được tư vấn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng để tránh thất thoát nguồn tiền được hưởng khi chưa có nhu cầu sử dụng.

“Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum phối hợp với các đơn vị kiểm lâm, chính quyền địa phương tổ chức khoảng 50 hội nghị cấp xã để tăng cường công tác tuyên truyền, phát triển sinh kế cho người dân, giới thiệu các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, giúp bà con sử dụng đúng, phù hợp nguồn tiền nhận từ dịch vụ môi trường rừng”, ông Hồ Thanh Hoàng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên - Bài 4: Tháo gỡ vướng mắc, sử dụng đúng mục đích quỹ đất nông, lâm trường
Thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên - Bài 4: Tháo gỡ vướng mắc, sử dụng đúng mục đích quỹ đất nông, lâm trường

Các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện và thực hiện ngay phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, hoặc không có đất ở, đất sản xuất. Đây chính là biện pháp cốt lõi để bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN