Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Việt Nam và Canada từ lâu đã có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó. Trong tiến trình chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, Canada đã hai lần tham gia Ủy ban đình chiến tại Việt Nam vào năm 1954 và 1973. Cố Thủ tướng Canada Pierre Trudeau đã từng ủng hộ phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam và là người quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó, hai nước đã chính thức thiết lập mối quan hệ ngoại giao vào năm 1973 và nâng cấp lên đối tác toàn diện vào năm 2017, mở ra quan hệ hợp quan tác trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, 50 năm qua quan hệ hữu nghị Việt Nam và Canada đã và đang phát triển rất tốt đẹp; đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, giáo dục, hợp tác phát triển. Năm 2023 là sự kiện vàng ghi dấu ấn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Canada không ngừng phát triển vững chắc.
Đánh giá về những thành tựu nổi bật trong hợp tác giữa hai nước, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ cho biết, Việt Nam và Canada thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần đầu tiên năm 2021. Về lĩnh vực giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và đào tạo, Việt Nam tiếp tục đứng đầu khu vực Đông Nam Á và trong top 10 quốc gia hàng đầu có sinh viên đang sinh sống và học tập tại Canada. Các cộng đồng người Việt Nam tại Canada có đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển của cả hai quốc gia cũng như thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Cho rằng mối quan hệ hai nước đạt được những thành tựu như vậy nhờ nền tảng hợp tác vững chắc trong quá khứ, sự ủng hộ của nhân dân Canada với nhân dân Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Trung đánh giá, hai quốc gia có chung quan điểm trên nhiều lĩnh vực như tương đồng về lý tưởng tiến bộ về: Gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, đề cao nhân quyền, quyền bình đẳng, đóng góp vào sự phát triển bền vững và hoạt động nhân đạo quốc tế.... Hai nước đều chia sẻ mong muốn về một môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương...
Ngoài ra, cộng đồng đông đảo hơn 240 ngàn người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Canada là cầu nối vô cùng quan trọng cho giao lưu nhân dân, tăng cường hiểu biết giữa hai nước. Nhờ những chính sách thuận lợi của Chính phủ Canada, cộng đồng này đã phát huy mạnh mẽ vai trò là những đại sứ thầm lặng cho quá trình giao lưu và tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước; tạo cơ sở bền vững cho quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực: Đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực...
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng nhìn nhận, đánh giá về quan hệ song phương giữa hai nước trong 50 năm qua; phân tích sâu bối cảnh mới ở khu vực và các thiết chế quốc tế mà hai nước là những thành viên, qua đó tìm kiếm điểm chung, cơ hội, nền tảng, tạo đà cho quan hệ song phương phát huy trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận nhiều nội dung nhằm đưa ra giải pháp để quan hệ hai nước thực sự là quan hệ toàn diện, vượt qua những khác biệt, những rào cản; đồng thời, phát huy thế mạnh của mỗi bên, từ đó, thúc đẩy quan hệ này lên tầm cao mới. Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng nêu ý kiến về việc cần phát huy hiệu quả hơn nữa trong hợp tác kinh tế, tiếp cận thị trường Canada, khai thác Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP); thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước...