Thúc đẩy nghiên cứu, hoạch định chính sách của đối ngoại và hội nhập

Thực tiễn cho thấy khu vực Đông Nam Á luôn được cho là khu vực có giá trị chiến lược nhìn từ góc độ địa chính trị quan trọng không chỉ với Việt Nam, các nước trong khu vực mà còn đối với thế giới. Trong nhiều năm qua, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành nhiều nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách, đóng góp quan trọng cho quá trình hội nhập và thực thi chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Chú thích ảnh
TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ảnh: vass.gov.vn

Tính đến nay, Viện đã trở thành Viện nghiên cứu khu vực, quốc tế có uy tín, có nhiều đóng góp quan trọng cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chính sách đối ngoại và hội nhập, đặc biệt kể từ khi nước ta thực hiện chính sách cải cách mở cửa và thúc đẩy hội nhập khu vực và thế giới vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/6, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cho rằng: Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á vẫn là một trong số các Viện đạt chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) cao nhất Viện Hàn lâm. Các đề tài, công trình nghiên cứu của Viện được đánh giá là đảm bảo chất lượng khoa học và luôn được đánh giá cao. Đặc biệt, các báo cáo tư vấn của Viện có giá trị khoa học và thực tiễn sâu sắc. Các kết quả nghiên cứu của Viện là tư liệu tham khảo quan trọng cho Việt Nam trong quá trình tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN các năm 2010 và 2020.

Trong bối cảnh hiện nay, khi Đông Nam Á và ASEAN luôn được cho là khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cần xác định quan điểm, định hướng phát triển. Theo đó, Viện cần áp dụng đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao. Xác định giá trị cốt lõi trong hoạt động của Viện như: Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Đông Nam Á trong bối cảnh phát triển Cộng đồng ASEAN; chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu nhằm cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn phục vụ việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; hoạt động lãnh đạo, quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Bên cạnh đó, Viện tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức nội bộ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tập trung nguồn lực cho các đơn vị nghiên cứu mũi nhọn; cố gắng hạn chế việc phân tán, giảm bớt khâu trung gian; đồng thời tăng cường phối hợp công tác tốt giữa các đơn vị, các cá nhân trong Viện và giữa Viện với các Viện nghiên cứu khác của Viện Hàn lâm; duy trì, củng cố sự đoàn kết, nhất trí trong Viện, coi đây là nền tảng vững chắc và lâu dài để phát triển Viện.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ngoài những thành tựu khoa học, Viện còn gặt hái được nhiều thành tựu trong thúc đẩy quan hệ quốc tế, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong công tác xuất bản và trong các hoạt động khác. Từ việc chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản về lịch sử, văn hóa Đông Nam Á, đến nay các lĩnh vực nghiên cứu của Viện đã được mở rộng và đa dạng hóa, tập trung vào hầu hết các vấn đề cả cơ bản và tư vấn chính sách, đóng góp nhiều cho xã hội. Kết quả, Viện đã thực hiện thành công khoảng hơn chục đề tài cấp nhà nước, rất nhiều đề tài cấp bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở cũng như khá nhiều đề tài hợp tác với nước ngoài tập trung vào những hướng nghiên cứu chính được xã hội quan tâm và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Được đánh giá là một trong những Viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật, Viện cũng đã phát triển được mạng lưới đối tác hầu hết ở các nước ASEAN và một số nước khác ở Đông Á và Nam Á và khu vực khác của thế giới như: Ký các bản ghi nhớ với nhiều tổ chức khoa học và giáo dục trong khu vực; thực hiện trao đổi đoàn với hầu hết các nước đó.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ  Nguyễn Huy Hoàng khẳng định, Viện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển trở thành một trung tâm nghiên cứu và tư vấn chính sách về Đông Nam Á có uy tín hàng đầu trong nước và khu vực, thiết lập quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các tổ chức khoa học hàng đầu trong nước cũng như các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, đóng góp nhiều hơn nữa cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định chính sách quan hệ quốc tế và mở rộng hội nhập khu vực và toàn cầu.

Diệu Thúy (TTXVN)
Việt Nam có vị trí vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Israel
Việt Nam có vị trí vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Israel

Ngày 9/8, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lý Đức Trung đã trình Quốc thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lên Tổng thống Nhà nước Israel Isaac Herzog.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN