Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã trao đổi, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chính quyền và kết quả hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phạm Đức Tiến thông tin, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Trong 8 tháng của năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt hơn 61%, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 7.753 tỷ đồng.
Tỉnh tập trung cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh dựa trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số). Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được chú trọng. Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai tỉnh tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực.
Ông Phạm Đức Tiến đề nghị, thời gian tới, hai bên tiếp tục triển khai có hiệu quả nội dung Thỏa thuận đã ký kết giai đoạn 2022-2026; tăng cường hợp tác về chính trị, ngoại giao, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, thương mại, đầu tư. Đồng thời hai bên quảng bá điểm đến và hình thành các tour du lịch để khai thác hiệu quả hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông Tây (Thái Lan – Lào – Việt Nam). Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục cấp 15 suất học bổng mỗi năm, chuyển từ hình thức bán phần sang toàn phần cho tỉnh Champasak về đào tạo tiếng Việt và học tiếp chuyên ngành ở bậc cao đẳng, đại học.
Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Champasak Alounxai Sounnalath cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và đánh giá cao những kết quả hợp tác hữu nghị trên nhiều phương diện giữa hai bên trong thời gian qua. Ông Alounxai Sounnalath đề nghị hai địa phương tiếp tục duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt đẩy mạnh hoạt động du lịch. Tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp sang đầu tư tại tỉnh Champasak về lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản và sản xuất giống, phân bón.
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế và tỉnh Champasak đã duy trì hoạt động trao đổi đoàn ở các cấp, ngành, đặc biệt có nhiều hoạt động hợp tác ý nghĩa trong Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào. Hai địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh chính trị mỗi quốc gia, giữ vững an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Đồng thời, hai bên hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, y tế..., góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế tại địa phương.
Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành ở bậc đại học, cao đẳng cho 1.449 lưu học sinh Lào, trong đó có hơn 234 lưu học sinh tỉnh Champasak. Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 60 cán bộ cấp huyện và Trung cấp lý luận chính trị cho 49 cán bộ khu vực Nam, Trung Lào khai giảng tháng 6/2024, trong đó có học viên của tỉnh Champasak.