Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Dự buổi Lễ còn có các Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Vào ngày 12/2/1950, tỉnh Vĩnh Yên sáp nhập với tỉnh Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Kể từ thời điểm đó, nhân dân hai tỉnh đã kề vai sát cánh đoàn kết một lòng xây dựng quê hương và tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và đóng góp cho tiền tuyến lớn miền nam.
Ngay từ những năm 60 của thế kỷ 20, tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã đề ra chủ trương về khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sự đóng góp quan trọng cả về lý luận và thực tiễn để hơn 20 năm sau ngày 5/4/1988, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp hiện nay.
Về công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa VII và từ đó đến nay, phát huy truyền thống, tiếp nối ý chí sáng tạo, sự quyết tâm của các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết thống nhất phát huy lợi thế vượt qua thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng rất đáng tự hào. Có thể khẳng định và ghi nhận trên con đường phát triển, Vĩnh Phúc đã đi đầu trong đổi mới tầm nhìn; trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu hút đầu tư. Quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng lên 60,5 lần so với năm 1997. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 102,5 triệu đồng, gấp 47 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh và là một trong 5 tỉnh thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Vĩnh Phúc là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lưu giữ nhiều minh chứng về sự có mặt của người Việt cổ ngay từ buổi bình minh lịch sử. Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi về tên gọi mới, tỉnh luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế chính trị quân sự trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thủ tướng khẳng định, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ trương sản xuất nông nghiệp của Đảng Bộ tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ở những năm 60 của thế kỷ trước đã tạo tiền đề rất quan trọng về lý luận và thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu đề ra đường lối Đổi mới đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau hơn 20 năm tái lập, Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã nêu cao tinh thần đoàn kết đổi mới sáng tạo đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, Vĩnh Phúc trở thành một điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, xã hội; là một số ít các địa phương có tổng thu ngân sách nội địa cao nhất. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống hạ tầng đầu tư nâng cấp đồng bộ hiện đại; công tác quy hoạch tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều khu công nghiệp mới được đầu tư xây dựng. Các chính sách an sinh xã hội giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, khoa học công nghệ được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Thủ tướng cho rằng, những thành tựu quan trọng này không những giúp tỉnh phát triển nhanh hiệu quả trong năm qua mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước; là minh chứng sống động cho đường lối Đổi mới đúng đắn của Đảng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu và giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, nhất là các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Tỉnh cũng cần tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là cần tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Cùng với đó là chú trọng phát triển và thực hiện các quy hoạch về kinh tế xã hội, nhất là quy hoạch phát triển đô thị; phấn đấu đưa thành phố Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân vùng nông thôn miền núi. Là tỉnh công nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc cần quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ tốt hơn nữa môi trường sống của nhân dân; đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa; đảm bảo và thực hiện tốt an sinh xã hội, chính sách người có công với cách mạng; tiếp tục giảm nghèo bền vững.
Tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc giáo dục; trong đó, cần chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0; tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính kỷ cương liêm chính, hành động, sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức đủ phẩm chất, trình độ, năng lực; thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Vĩnh Phúc cần làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, nâng cao chất lượng đội ngũ tiếp dân; chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân, dư luận xã hội; làm tốt công tác dân vận không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống, kịp thời giải quyết bức xúc của người dân ngay từ cơ sở để không phát sinh điểm nóng.
Vĩnh Phúc cũng cần thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thường xuyên chăm lo, tăng cường khối đoàn kết thống nhất của cán bộ để có sự đồng thuận trong toàn xã hội. Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.
Thủ tướng tin tưởng, với bề dày lịch sử vẻ vang và truyền thống 70 năm xây dựng phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chung, sức, đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa tỉnh Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có và phồn vinh nhất miền Bắc nước ta.
*Nhân dịp lên thăm Vĩnh Phúc, sáng cùng ngày, tại thành phố Vĩnh Yên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Canh Tý 2020 của tỉnh.