Tại cuộc tọa đàm, đại diện các tập đoàn, quỹ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam đã tập trung thảo luận về các giải pháp, định hướng nhằm đẩy mạnh thu hút các nguồn tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong xây dựng, hình thành và phát triển trung tâm tài chính.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế nhằm tạo một bước chuyển mới về chất, thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu.
Các quỹ đầu tư cho rằng trong bối cảnh biến động về địa kinh tế, chính trị trên thế giới thời gian qua và diễn biến mới nhất tại các trung tâm kinh tế, tài chính trong khu vực và thế giới, Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư, dần hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính, có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới nhờ có các lợi thế.
Các lợi thế đó gồm kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao, có múi giờ khác biệt với các trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược; triển vọng tốt nhờ tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng; chuyển đổi kinh tế số và gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo; quy mô nền kinh tế và mức độ phát triển của thị trường tài chính ngày càng được cải thiện, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường tài chính…
Các đại biểu cho rằng việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đối với Việt Nam là vấn đề mới, phức tạp; do đó, việc lựa chọn mô hình và cách thức xây dựng trung tâm tài chính cần được thực hiện trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các bài học kinh nghiệm quốc tế. Nguyên tắc xuyên suốt phải là tạo ra “sân chơi” cho các nhà đầu tư tài chính quốc tế, có luật chơi chung, tương thích với thông lệ quốc tế (cơ chế vận hành, phát triển các hệ sinh thái, ưu đãi…), nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden, với việc Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, mở ra những cơ hội mới trong hợp tác thương mại và đầu tư.
Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục mở cửa nền kinh tế, chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan tỏa lớn; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Theo Thủ tướng, việc triển khai các lĩnh vực ưu tiên nói trên đều cần nguồn tài chính, cần sự đồng hành, chia sẻ nguồn lực của bạn bè quốc tế, các doanh nghiệp đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
Đặc biệt, kinh nghiệm và nguồn lực của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư lớn trên thế giới là cần thiết và quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển trung tâm tài chính và hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực đóng góp cho phát triển bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tài chính xanh.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách, các thứ tự ưu tiên trong huy động các nguồn tài chính, tham gia vào quá trình xây dựng, cùng đầu tư và phát triển trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trên cơ sở kinh nghiệm đã có, Việt Nam mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để xây dựng, phát triển các loại thị trường khác như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường khoa học, lao động… theo hướng minh bạch, công khai, từ đó huy động các nguồn lực phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp…
Thủ tướng cũng đề nghị các tập đoàn, quỹ đầu tư đóng góp ý kiến và gợi ý một số giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân trong nước, hướng đến sự minh bạch, hiệu quả cao và phát triển bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hợp tác cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, làm từ đơn giản đến phức tạp, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, làm đến đâu chắc chắn đến đó. Về phần mình, Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững.