Thứ trưởng Bộ Công Thương: Sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Tin tức chiều 26/11 về việc phát triển nhiệt điện than đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng không nên nhìn quá cực đoan về loại hình năng lượng này.

Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, bất kì nguồn năng lượng nào cũng phải tính toán dựa trên cơ sở dự trữ tiềm năng phát triển điện quốc gia. Việt Nam trước đây là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng trong tương lai sắp tới sẽ phải nhập khẩu năng lượng. Do đó, Bộ Công Thương sẽ phải tìm ra giải pháp tối ưu cho các loại hình năng lượng từ thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, các nguồn năng lượng tái tạo…

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.

"Chúng ta đặt ra tiêu chí trước tiên là phải đủ điện. Tiếp nữa, tiêu thụ điện bình quân hiện nay ở Việt Nam mới chỉ khoảng 2.000 kWh/năm/người, phải tăng gấp 3 lần để đạt 6.000 kWh như các nước phát triển như Hàn Quốc, Đức... Tất nhiên trong bối cảnh công nghiệp 4.0 thì tiêu thụ năng lượng có thấp hơn một chút nhưng đây là tiêu chuẩn đã được thẩm định bởi các nước công nghiệp phát triển", Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc tìm ra cơ cấu năng lượng tối ưu cho một quốc gia là rất phức tạp. Nếu loại bỏ tất cả các nguồn có nguy cơ với môi trường thì sẽ ảnh hưởng ngay đến an ninh năng lượng quốc gia. Nhiệt điện than nếu có công nghệ tốt, đầu tư hợp lý thì hoàn toàn có thể hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện nay tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tại Việt Nam (bao gồm cả thủy điện) trên tổng nguồn điện đang vượt xa các nước khu vực ASEAN. Như vậy có thể nói ta đã đi trước về việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Cần tính toán tối ưu nhất để cân đối giữa các loại hình năng lượng, không thể dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo", ông An cho biết thêm.

Cho rằng nếu suy nghĩ cực đoan quá về nhiệt điện than có thể đẩy đất nước mất an ninh năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ có giải pháp thông minh và hợp lý.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Đặng Hoàng An. Tuy nhiên, ngài Đại sứ đề nghị Việt Nam cần có chiến lược thực tế phù hợp với Việt Nam và có tham vọng táo bạo. Hiện tại 1 kWh điện từ năng lượng tái tạo của châu Âu còn rẻ hơn điện than.

"Giá than thực tế không rẻ nếu ta cộng các chi phí về đầu tư hạ tầng, thiệt hại về sức khỏe công nhân… Công thức tính toán rất phức tạp. Không thể cải thiện ngay vấn đề nhiệt điện than nhưng cần phải tính toán. Bangladesh kém phát triển hơn mà làm được thì Việt Nam cũng làm được", ngài Đại sứ nói.

Còn theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc giảm nhiệt điện than ngay là rất khó. Dù muốn hay không thì than vẫn đóng vai trò quan trọng vào việc cấp điện cho người dân Việt Nam và không thể một sớm một chiều đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than được.

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), Thứ trưởng Đặng Hoàng An, thay mặt Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Chủ tịch VEPG và các Đồng Chủ tịch là ông Bruno Angelet – Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam và ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đã ghi nhận giá trị của những đề xuất chính sách của nhóm với sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam và chính thức thông qua các khuyến nghị chính sách cũng như cam kết lồng ghép những nội dung này trong quá trình xây dựng chính sách và lập kế hoạch phát triển ngành năng lượng trong thời gian sắp tới.  

Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam được thành lập vào tháng 6 năm 2017 theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển với mục đích nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, kết nối và phối hợp hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng tại Việt Nam.

Hiện nay, hoạt động của VEPG do Bộ Trưởng Bộ Công thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới là đồng chủ trì. Mục tiêu chung của Nhóm là hướng đến sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Khí thiên nhiên suy giảm, Việt Nam sắp phải nhập khí hóa lỏng để phát điện
Khí thiên nhiên suy giảm, Việt Nam sắp phải nhập khí hóa lỏng để phát điện

Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Từ năm 2022, nguồn khí thiên nhiên của Việt Nam sẽ bắt đầu suy giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, nên buộc phải nhập khẩu khí hóa lỏng để phát điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN