Trong cái nắng chói chang của những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về huyện Sơn Dương - Thủ đô kháng chiến, nơi Bác Hồ đã chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi lời ca của bài hát “Rừng Tuyên Quang in bóng Tân Trào” - (tác giả nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ) vẫn ngân vang cùng lịch sử: “Này cây đa và mái đình Hồng Thái/ Nước Việt Nam mình sinh ra giữa chốn đây…”.
66 năm đã trôi qua, căn cứ địa cách mạng Sơn Dương đã đổi thay, cuộc sống mới no ấm, đầy đủ đã đến với từng hộ đồng bào dân tộc nơi đây.
Sơn Dương – Cội nguồn cách mạng Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám năm nay, niềm vui của người dân huyện Sơn Dương được nhân lên khi cây đa Tân Trào lịch sử bị suy thoái ngày nào tưởng như không thể cứu được đang hồi sinh mạnh mẽ. Trên cành cây duy nhất còn sống của cây đa Tân Trào đã ra hai cụm rễ. Một cụm có 27 rễ và một cụm 12 rễ; đường kính mỗi cụm rễ 35 –40 cm. Hai cụm rễ này đã tiếp và ăn sâu vào trong lòng đất để hút chất dinh dưỡng nuôi cành còn lại của cây đa Tân Trào. Đặc biệt đáng chú ý, trên cành cây còn sống duy nhất này ra rất nhiều chồi mới, lá xanh biếc, đường kính tán khoảng hơn 7m.
Dẫn chúng tôi đi thăm các điểm di tích lịch sử cách mạng, bà Hoàng Như Loan, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào tự hào cho biết: Sơn Dương là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, là cội nguồn cách mạng. Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương) làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như: Hội nghị Cán bộ Toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng tức Chính phủ Lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca. Cũng theo bà Loan, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ có gần 6 năm sống và làm việc tại các địa điểm khác nhau trên đất Sơn Dương và 10/13 bộ của Chính phủ đặt trụ sở làm việc tại huyện Sơn Dương như: Bộ Tài Chính, Giao thông – Công chính, Nội vụ, Ngoại giao, Y tế, Tư pháp...
Di tích đình Tân Trào (Tuyên Quang) ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội do Mặt trận Việt Minh triệu tập, quyết định tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ Lâm thời) do Bác Hồ làm Chủ tịch.
Đình Tân Trào ngày nay, một di tích lịch sử. |
|
Ngôi nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Tiến Sự - người đã nhường nhà cho Bác Hồ sống và làm việc trong thời gian khi Người mới trở về từ Pác Bó, nằm cách cây đa Tân Trào khoảng 50 mét. Ông Sự không còn nữa nhưng các thế hệ con cháu ông vẫn luôn nhớ hình ảnh và những việc làm của Bác. Bà Hoàng Thị Mai, con dâu trưởng của ông Nguyễn Tiến Sự kể lại: “Những ngày Tháng Tám lịch sử năm 1945 khí thế cách mạng rất tưng bừng. Bà con các dân tộc quyết tâm một lòng theo Bác, theo cách mạng”.
Còn bà Nông Thị Mơ, dân tộc Tày, thôn Tân Lập, xã Tân Trào - người vinh dự được Bác Hồ tặng quà trong ngày cưới, năm nay đã bước sang tuổi 87, nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, bà Mơ lại trào dâng cảm xúc bồi hồi khó tả.
Bà Mơ xúc động nhớ lại: “Những ngày tham gia Việt Minh ở căn cứ địa Cách mạng Tân Trào, hình ảnh "Ông Ké Cách mạng" vẫn in sâu trong tâm trí tôi và những người dân nơi đây. Ngoài thời gian làm việc, Bác Hồ dành sự quan tâm, thăm hỏi mọi người trong làng. Người còn cùng với bà con lao động, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, động viên chị em phụ nữ hăng hái tăng gia sản xuất. Bữa cơm hàng ngày của Bác Hồ và các chiến sỹ đạm bạc nhưng luôn vui vẻ, lạc quan. Có lần thấy tôi và các chị em khác giã gạo, nấu cơm, Bác Hồ ân cần bảo: "Các cô nấu cơm cho bộ đội cũng là đánh giặc đó".
Đổi thay trên quê hương cách mạngĐến Sơn Dương hôm nay, sự đổi thay nhìn thấy rõ, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đến từng nhà, chợ trung tâm các xã lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán. Ông Triệu Minh Cương, sinh năm 1924, dân tộc Dao, thôn Ao Búc, xã Trung Yên (huyện Sơn Dương), cán bộ lão thành cách mạng, nhận xét: “Thời Pháp thuộc, Trung Yên nghèo lắm, hơn 80% số hộ đói ăn, bây giờ cuộc sống người dân nâng lên rất nhiều”.
Cây đa Tân Trào lịch sử đang hồi sinh mạnh mẽ. |
Tại bến Bình Ca, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) - nơi cách đây 64 năm Tiểu đoàn Bình Ca đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc Pháp, mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô và đảm bảo an toàn cho chiến khu Việt Bắc. Đi trên con đường trải nhựa vừa hoàn thành, hai bên là những hàng cây xanh mát thỉnh thoảng lại điểm những đồi chè thoai thoải, tầng tầng, lớp lớp, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư, Trưởng thôn Bình Ca, xã Vĩnh Lợi cho chúng tôi biết: “Chỉ cách đây vài năm thôi con đường này còn lầy lội lắm, trời mưa đến khổ. Nhiều hôm con nhà tôi bị muộn học chỉ vì bị ngã bẩn hết quần áo… Nhưng năm 2009, được Nhà nước đầu tư hơn 8 tỷ đồng để làm đường, nên giờ việc đi lại của người dân thuận tiện rất nhiều, thương lái có thể đánh ô tô vào tận các thôn để mua hàng nông sản của người dân…”. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch xã Vĩnh Lợi thì không giấu được niềm vui: “Những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, đời sống của đồng bào các dân tộc trong xã được cải thiện rất nhiều. Toàn xã hiện có 1.660 hộ, với 6.770 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao… Năm 2008, xã còn 323 hộ nghèo, thì đến đầu năm 2011, số hộ nghèo giảm chỉ còn 140 hộ, chiếm 8,4%; 100% các thôn quy ước thực hiện nếp sống văn hóa, 70% số hộ gia đình có các công trình hợp vệ sinh. Điện lưới quốc gia đã về đến tất cả các thôn, bản trong xã, với tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện chiếm trên 90%. Hệ thống trường học nay đã đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông; sóng phát thanh, truyền hình địa phương được phủ rộng, nên mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã tới được với người dân một cách nhanh nhất và hiệu quả cao....”.
Làng Văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào. |
Bà Nguyễn Thị Huề, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương vui mừng cho biết: “Ðảng bộ huyện Sơn Dương vinh dự và tự hào được trưởng thành từ cái nôi của cách mạng, quê hương Tân Trào lịch sử, từ 5 đảng viên ngày đầu, nay Đảng bộ đã có hơn 7.200 đảng viên với 64 tổ chức cơ sở Đảng. Những năm qua, phát huy truyền thống quê hương cách mạng và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cùng với triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng bộ và nhân dân Sơn Dương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và sát với điều kiện thực tế của địa phương để phát triển”. Trong đó, tập trung vào bốn lĩnh vực đột phá là: Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; hạ tầng giao thông; du lịch; giáo dục và dạy nghề. Huyện Sơn Dương phấn đấu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 2.300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 30 triệu người/năm; 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa… để xứng đáng là quê hương cách mạng giàu truyền thống”.
Vũ Quang Đán