Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 và 4 dự thảo luật

Sáng 11/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường về hai nội dung chính: Thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 và thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.
 

Các đại biểu nhấn nút biểu quyết thông qua các luật. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đa số đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính.

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Đa số ý kiến của các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi. Việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường; đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

* Chiều 11/11, đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Lưu trữ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Đo lường. Cả 4 luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012.

Luật Lưu trữ quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ, quản lý về lưu trữ.

Luật áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân.

Luật Khiếu nại đã được Quốc hội thông qua với 86,80% số đại biểu tán thành. Luật gồm VIII chương, 70 điều quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.

Trước ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại cả về số lượng người tham gia, cách thức xử lý và giải quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng để bảo đảm quyền khiếu nại của người dân, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tránh bị lợi dụng thì những vấn đề có liên quan đến việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung cần phải có những cách thức xử lý linh hoạt, phù hợp với tình hình cụ thể. Trong trường hợp này, luật quy định chung nhất về hình thức khiếu nại (trực tiếp trình bày hoặc bằng đơn), việc tiếp dân, cử người đại diện; còn những vấn đề cụ thể khác giao Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Những quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày luật này có hiệu lực. Ngoài ra, đối với khiếu nại đã được thụ lý giải quyết trước ngày luật này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.

Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Luật gồm VIII chương, 50 điều. Các quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo trong Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và luật số 58/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày luật này có hiệu lực. Những tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết quả giải quyết trước ngày luật này có hiệu lực thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo số 09/1998/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2004/QH11 và Luật số 58/2005/QH11.

Vì vậy, Luật Tố cáo chưa bổ sung quy định về các hình thức tố cáo này trong luật, mà tiếp tục duy trì hai hình thức là tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn như hiện nay.

Với 86% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường. Luật gồm IX chương, 58 điều.

Trước nhiều ý kiến đề nghị cần nâng cao mức xử phạt, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng; chế tài xử phạt phải nghiêm minh để bảo đảm tính răn đe nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đo lường cũng như các lĩnh vực khác, được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hình sự. Tuy nhiên, trước tình trạng gian lận đo lường trong mua bán xăng, dầu, điện, nước, viễn thông... diễn ra tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội, vì vậy cần tăng cường mức độ răn đe, xử lý đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Quỳnh Hoa - Bích Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN