Tại phiên họp buổi chiều, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã thảo luận, đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển; khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Tháo gỡ vướng mắc về các dự án BT
Liên quan đến các kiến nghị của một số địa phương về việc ban hành nghị định hướng dẫn thanh toán bằng tài sản công đối với các dự án BT (hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để hướng dẫn Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền ban hành 16 nghị định, còn 2 nghị định Bộ Tài chính trong năm qua đã 5 lần báo cáo giải trình tiếp thu, đồng thời, có hướng dẫn các địa phương tạm ngừng thanh toán.
Theo Bộ trưởng Tài chính, đây là vấn đề nhạy cảm, rất phức tạp và dễ xảy ra tiêu cực. Trên cơ sở tiếp thu giải trình của Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã 3 lần lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.
Quá trình xây dựng nghị định này rất phức tạp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã 3 lần nghe báo cáo về vấn đề này và chỉ đạo điều chỉnh hoàn thiện dự thảo nghị định này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì cuộc họp ngày 29/8 để chỉ đạo hoàn thiện nội dung này. Trong phiên họp Chính phủ tháng 9/2018, Chính phủ đã có nghị quyết về vấn đề này.
“Hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như nghị quyết hướng dẫn chuyển giao trong khoảng trống pháp lý. Chúng tôi nghĩ rằng trong tháng 1/2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị định này” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, lĩnh vực tài chính - ngân sách đã đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực.
“Thu ngân sách nhà nước đến ngày 28/12 đạt xấp xỉ 1.397 nghìn tỷ đồng, bằng 105,9% dự toán Quốc hội giao, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 103,4% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 109,3% dự toán” - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan làm việc tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp ngay từ những ngày đầu năm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định; xử lý quyết liệt nợ đọng thuế, phấn đấu đưa số nợ thuế có khả năng thu hồi cuối năm 2018 về thấp hơn năm 2017.
Trên cơ sở đó, ước thu ngân sách nhà nước năm 2018 vượt khoảng trên 80 nghìn tỷ đồng (trên 6%) so dự toán; cả thu ngân sách trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Quy mô thu ngân sách nhà nước đạt trên 25% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt trên 21% GDP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định tiếp tục quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán; thực hiện điều chỉnh tăng 7% tiền lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công; trong năm đã siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách.
Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu là 25 - 26%); chi thường xuyên còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước (mục tiêu là dưới 64%).
Đối với chi đầu tư, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo sát sao, liên tục, nhưng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác giải ngân vốn đầu tư năm nay vẫn còn rất chậm, ước đến 31/12/2018, giải ngân vốn ngân sách nhà nước mới đạt khoảng 66,6%.
Đề cập đến nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã quản lý chặt chẽ việc định giá doanh nghiệp, chống thất thoát, tham nhũng trong cổ phần hoá và thoái vốn. Cùng với đó, bán cổ phần lần đầu 21 doanh nghiệp thu về 21,6 nghìn tỷ đồng và thoái vốn thu về 18,3 nghìn tỷ đồng, thặng dư 18,2 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đạt yêu cầu. Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp nhưng tính đến 20/12 mới có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng cho biết, năm qua Bộ Tài chính đã cắt giảm 536 đầu mối, trong khi vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Tính đến nay, đã thực hiện cắt giảm theo chỉ tiêu biên chế được giao là 3.488 biên chế.
Về phương hướng sắp tới, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh quan điểm quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật tài chính; nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên 27 - 27,5% trong tổng chi ngân sách, đồng thời kiên quyết khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 3,6% GDP; nợ công ở mức khoảng 61% GDP.
Đặc biệt, nâng cao kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính-ngân sách, kể cả trong thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...
Cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tiết kiệm trên 5,9 triệu ngày công/năm
Báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử năm 2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thể chế chính sách cho hoạt động cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính đã được cơ bản hoàn thiện.
Đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 49 văn bản, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác này. Các bộ, cơ quan đã rà soát và trình Chính phủ phê duyệt phương án, đơn giản hóa 1.066 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân không cần thiết.
Phương thức phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã thay đổi, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; cắt giảm chế độ báo cáo, số lượng các cuộc họp và các loại giấy tờ không cần thiết. Việc giải quyết thủ tục hành chính được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hoạt động của các trung tâm hành chính công các tỉnh. Đến nay, đã thành lập được 39 trung tâm hành chính công ở các tỉnh, thành phố.
Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận đầy đủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Năm 2018, đã có trên 14.900 phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận, trong đó có 2.464 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xem xét, xử lý và đã trả lời, đăng tải công khai được 2.024 phản ánh, kiến nghị, đạt 82,14%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, theo Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện, tăng 13 bậc.
Việc triển khai Chính phủ điện tử đã lan tỏa mạnh mẽ trong các cơ quan hành chính nhà nước, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân. Thủ tướng đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử và chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và tạo hành lang pháp lý cho việc thiết lập, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Có 71/95 cơ quan triển khai thử nghiệm kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản với trục liên thông văn bản quốc gia, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử; 93 bộ, cơ quan, địa phương đã ban hành mã định danh của cơ quan mình.
Chỉ số phát triển điện tử Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 6/11 quốc gia khu vực ASEAN. Mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc theo đánh giá của Liên hợp quốc năm 2018.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2018, có 18.820 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có 11.253 nhiệm vụ đến hạn hoàn thành (đạt 98,1%), 7.349 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, còn 218 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành (chiếm 1,15%, giảm 0,23% so với năm 2017, giảm 23,85% so với trước khi Tổ công tác của Thủ tướng được thành lập).
Từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra, riêng năm 2018 đã tiến hành 21 cuộc, trong đó có 11 cuộc kiểm tra nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao và 10 cuộc kiểm tra chuyên đề về cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tuc kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thông qua kiểm tra, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng được quán triệt, đôn đốc thực hiện kịp thời, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, những khoảng trống pháp lý cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung như việc thay thế chính sách thuế, việc thực hiện quy định thống nhất tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước, đề xuất cơ chế, chính sách tích tụ đất đai trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai…
Các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các bộ, cơ quan.
"Năm 2017, các bộ, cơ quan đề xuất hoặc phê duyệt phương án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thì năm 2018 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khâu thực thi" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cụ thể, về kiểm tra chuyên ngành, đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tương đương với 68,2%, vượt 36,5% so với Nghị quyết 19 đề ra và 30 thủ tục. 8/11 bộ đã báo cáo đánh giá tác động kinh tế về cắt giảm gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế. Việc đơn giản, cắt giảm 6.665 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục của 8 bộ nêu trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11,642 triệu ngày công, tương đương 5.417 nghìn tỷ đồng.
Việc cắt giảm, đơn giản các điều kiện kinh doanh, đến nay, các bộ đã trình ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm, đơn giản 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh, tương đương 54,5%. Có 9 bộ báo cáo đánh giá tác động cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân trên 5,9 triệu ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm. Chưa kể chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì, đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên một số bộ, cơ quan còn chậm trễ trong việc trình theo thẩm quyền các văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh.