Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, trong tháng 4 này, thành phố sẽ phê duyệt Dự án giãn dân phố cổ. Chậm nhất đến 15/4, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải trình thành phố bản quy hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/500 khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ.
Ông Bình lưu ý, quận Hoàn Kiếm cần khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch quản lý dân số ở khu phố cổ sau khi thực hiện Dự án giãn dân phố cổ, tránh tình trạng “tái tăng dân số”.
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 100 ha, nằm trên địa bàn 10 phường, gồm 76 tuyến phố với dân số 84.600 người. Hầu hết các tuyến phố có hoạt động thương mại sôi động và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc (có tới 112 di tích lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng; 1.081 nhà ở có giá trị).
Ông Vũ Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2009, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng CDCC (Sở Xây dựng Hà Nội) tổ chức khảo sát, điều tra xã hội học và xây dựng Đề án giãn dân phố cổ. Cụ thể, giãn dân phố cổ giai đoạn I sang khu đất tại khu đô thị Việt Hưng sẽ di chuyển được 1.800 hộ dân với khoảng 7.200 nhân khẩu đang sinh sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm và các hộ dân trong khu phố cổ có nguyện vọng di dời. Tuy nhiên, ông Viện thừa nhận, việc điều chỉnh quy họach chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử khu phố cổ, việc xây dựng đề án giãn dân khu phố cổ và điều chỉnh quy hoạch khu nhà ở phục vụ giãn dân tại Việt Hưng còn chậm.
Thanh Bình