Chủ trì và phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về việc Chính phủ báo cáo Quốc hội việc áp dụng các biện pháp đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19 tại kỳ họp gần nhất, Ủy ban tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 3 để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15.
Tại kỳ họp thứ 2 tới đây, Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự kiến thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022. Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 sẽ là cơ sở để các đại biểu Quốc hội thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày tóm tắt Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Về công tác phòng, chống dịch, theo Bộ trưởng, diễn biến dịch COVID-19 với biến chủng Delta đã tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế của các nước; dịch bệnh không chỉ là vấn đề y tế đơn thuần mà tác động sâu sắc, toàn diện mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Đến ngày 16/10, cả nước ghi nhận 860.000 ca mắc, trong đó riêng đợt dịch thứ 4 ghi nhận 858.000 ca mắc và 21.000 ca tử vong. Tính trên 1 triệu dân, số mắc xếp thứ 155/223 trên thế giới, 9/11 trong ASEAN; số tử vong xếp thứ 134/223 trên thế giới, 6/11 trong ASEAN. Đến nay, dịch bệnh đã ghi nhận tại 62/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được kiện toàn do Thủ tướng làm Trưởng ban, với đại diện các ban Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc.
Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 (huy động được hơn 8,7 nghìn tỷ đồng), tích cực triển khai ngoại giao vaccine. Đến ngày 16/10/2021, tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 191,5 triệu liều; tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine và phân bổ vaccine theo địa bàn trọng điểm. Chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được tổ chức hiệu quả. Đến nay, 62 triệu liều vaccine được tiêm an toàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, qua hơn 5 tháng, đến nay, tình hình dịch COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Trước tác động to lớn của dịch bệnh, thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Chính phủ đã quyết định triển khai một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong phòng, chống dịch. Theo đó, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, xuất cấp gạo cho người dân gặp khó khăn tại 31 tỉnh, thành phố; chỉ đạo tổ chức tốt các kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, khai giảng năm học mới linh hoạt, phù hợp với từng địa phương; đảm bảo giữ vững, ổn định an ninh trật tự, xã hội; triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong duy trì sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Chú trọng phục hồi đời sống xã hội bên cạnh phục hồi kinh tế
Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, nội dung báo cáo phản ánh tương đối đầy đủ, chân thực công tác phòng, chống dịch và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, cùng các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo cùng với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Xã hội cho rằng, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống COVID-19. Các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương còn chậm, chưa kịp thời, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian ngắn còn chưa được sâu sắc. Việc ban hành các văn bản pháp luật của nhiều địa phương còn chưa thống nhất với quy định, hướng dẫn của Trung ương cũng như giữa các địa phương với nhau, qua đó gây ra những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của người dân...
Trên cơ sở đó, Ủy ban Xã hội kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, giám sát, các kênh ngoại giao nghị viện để thúc đẩy ngoại giao vaccine; tiếp tục tăng cường hoạt động của Tổ công tác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập, để giám sát việc thực hiên Nghị quyết số quyết số 30/2021/QH15.
Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm đến 11 nhóm kiến nghị của Ủy ban nêu trong báo cáo thẩm tra, trong đó có việc tổng kết việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, để đề xuất sửa đổi các chính sách pháp luật có liên quan; khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Trên cơ sở chiến lược này, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thích ứng, an toàn, linh hoạt ứng phó với đại dịch COVID-19, đưa lĩnh vực phụ trách trở lại trạng thái bình thường mới.
Ủy ban đề nghị Chính phủ đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện tốt việc động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tổ chức có thành tích trong phòng, chống dịch. Chính phủ ưu tiên nguồn lực cho ngành Y tế, đặc biệt là củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; sớm rà soát, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch cũng như người bị di chứng sau điều trị COVID-19; đánh giá các gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp; sớm có phương án đưa học sinh, sinh viên quay lại trường học an toàn...
Sau khi nghe các báo cáo, các đại biểu dự phiên họp đã thảo luận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ thời gian qua, trong đó nhấn mạnh tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và dư luận xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm điều chỉnh, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch vừa qua và đưa ra các khuyến nghị như hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp; đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine và tiêm chủng; chú trọng phục hồi đời sống xã hội bên cạnh phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh; có những hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng với nhóm lao động tự do, cũng như có kế hoạch thống nhất cụ thể, tuyên truyền đưa lao động trở lại các nhà máy một cách an ninh, an toàn, không để tái lây lan dịch bệnh...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đại diện các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã tiếp thu, giải trình báo cáo thẩm tra và các ý kiến của các thành viên Ủy ban Xã hội.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, sớm tạo nguồn vaccine tiêm phòng cho toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai.