Tiến sỹ Hoàng Văn Thắng được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội. Đại hội cũng bầu ra Ban Chấp hành gồm 102 người.
Phát biểu tại Đại hội, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mong muốn nhiệm kỳ tới, Hội ngày càng tập hợp đông đảo các nhà khoa học, thu hút cán bộ trẻ tâm huyết, có năng lực tham gia. Bên cạnh đó, Hội cần làm tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, có các kiến nghị hữu ích cho các cơ quan, tổ chức liên quan đối với các vấn đề trong phạm vi hoạt động; làm tốt tư cách thành viên của tổ chức quốc tế, giữ vững vị thế, uy tín và thương hiệu trên diễn đàn quốc tế.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khẳng định: qua hơn 20 năm xây dựng, phát triển, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong các hoạt động tư vấn phản biện, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến thủy lợi, thủy điện, tài nguyên nước, an ninh nguồn nước và an toàn đập… Nhiều công trình đã để lại dấu ấn lớn của Hội và được đánh giá cao như: các hồ Cửa Đại, Định Bình, Phước Hòa, Ngàn Trươi - Cẩm Trang; thủy điện tại Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát...
Phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng lưu ý nhiệm kỳ tới, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam tham gia tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, công tác giáo dục - đào tạo; tư vấn chuyển giao áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, quản lý, phổ biến khoa học - công nghệ trong quản lý an toàn đập (trọng tâm bảo trì đập và vận hành đập). Đồng thời, Hội cần tiếp tục tập hợp hội viên để mở rộng phạm vi hoạt động nhất là trong lĩnh vực thủy điện nhỏ, thủy điện tích năng, năng lượng tái tạo và tích trữ năng lượng.
Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2024-2029 là: Tập trung vào hoạt động tư vấn, phản biện, góp phần hoàn thiện thể chế đảm bảo an ninh nguồn nước, trọng tâm là tư vấn xây dựng khung thể chế quản trị nước. Đồng thời, Hội sẽ tiếp tục làm rõ thách thức an ninh nguồn nước ở một số vùng trọng điểm và tư vấn giải pháp; mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các Hội đập lớn các nước trong khu vực; huy động chuyên gia Việt Nam tham gia các tiểu ban kỹ thuật của Ủy hội đập lớn thế giới, tham gia các hội nghị quốc tế và các hợp tác quốc tế song phương khác.
Báo cáo do Tiến sỹ Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam trình bày cho thấy sự tham gia tích cực của Hội đã góp phần vào thành công của giai đoạn phát triển hồ đập hết sức sôi động của đất nước. Nhiều năm qua, Hội đã tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến cho nhiều Luật và văn bản hướng dẫn luật có liên quan, như: Luật Tài nguyên nước (2012, 2023), Luật Phòng chống thiên tai (2013), Luật Thủy lợi (2017)… Hội đã tập hợp hội viên, tăng cường tư vấn, phản biện trong lĩnh vực tư vấn hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong quản lý tài nguyên nước như: Góp ý Luật Tài nguyên nước sửa đổi và các Nghị định hướng dẫn, Đề án an ninh nguồn nước và an toàn đập; tham gia góp ý cho các quy hoạch lưu vực sông. Hội cũng nhận dạng những thách thức lớn liên quan tới an ninh nguồn nước ở một số vùng trọng điểm (sông Hồng, sông Cửu Long, ven biển Miền Trung, Tây Nguyên) và kiến nghị giải pháp sửa đổi về thể chế...