Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết những vướng mắc về pháp lý, tài chính và tiến độ trong giải phóng mặt bằng để triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trình phương án tổng thể về khởi động lại dự án để Chính phủ xem xét giải quyết.
"Các bộ, ngành và địa phương chú trọng thực hiện các dự án như đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai 3… để sớm đưa các dự án này vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2010 với tổng chiều dài 57,8 km, đi qua tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Tổng mức đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn vay của ADB, JICA và vốn đối ứng; nguồn vốn vay ở thời điểm khác nhau nên thời điểm triển khai các đoạn của dự án khác nhau.
Dự án khởi công tháng 10/2014, đến nay đã giải ngân hơn 16.500 tỷ đồng. Riêng phần xây lắp có 11 gói thầu chính, sản lượng thi công đạt khoảng 78,96%. Trong quá trình thực hiện, dự án gặp vướng mắc về vốn đầu tư, như hiệp định vay vốn ADB lần 1 cho đoạn phía Tây của dự án đóng từ tháng 6/2019 không được gia hạn do phát sinh vướng mắc về thẩm quyền "cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư" đối với dự án; vốn vay JICA và vốn đối ứng không được giao từ tháng 1/2019 dẫn đến dừng thi công từ giữa năm 2019. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, kéo dài tại các tỉnh phía Nam trong hai năm 2020 - 2021 đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kế hoạch thực hiện của các Nhà thầu thi công.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC (chủ đầu tư của dự án), các vướng mắc về nguồn vốn thực hiện đến nay đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, việc tái khởi động lại dự án còn gặp nhiều khó khăn do thời gian dừng khá dài, một số nhà thầu đang đàm phán để nối lại thi công. Một số nhà thầu đã đề nghị chấm dứt hợp đồng, khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp và yêu cầu đền bù các chi phí phát sinh do thời gian dừng chờ hợp đồng kéo dài. Ngoài ra, toàn tuyến vẫn còn 18 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Do vậy, chủ đầu tư kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét hỗ trợ việc điều chỉnh các hiệp định vay vốn, hỗ trợ thủ tục giao vốn ODA…. Đồng thời, cho phép gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến quý III/2025 do khả năng hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2023 theo kế hoạch được duyệt là rất khó khăn.