Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix đồng chủ trì Hội nghị.
Cam kết kiên định của Việt Nam với các mục tiêu về bình đẳng giới
Hội nghị nhằm tái khẳng định cam kết của Việt Nam và khu vực đối với Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Liên hợp quốc, đặc biệt là vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình; kêu gọi sự hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với cam kết này thông qua sự tham gia của các nhà lãnh đạo và chuyên gia.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến nêu rõ, gìn giữ hòa bình là cơ chế hợp tác đa phương về an ninh, hòa bình có tính chất và quy mô lớn nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu, là công cụ hiệu quả thúc đẩy xây dựng, kiến tạo hòa bình tại các quốc gia có sự hiện diện của phái bộ gìn giữ hòa bình, nền tảng thiết thực để tăng cường hợp tác đa phương, song phương, cùng hướng tới những giá trị chung.
Trong đó, nổi lên gần đây là việc nâng cao vai trò và sự hiện diện của phụ nữ trong các hoạt động xã hội nói chung và trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc nói riêng. Đây không chỉ là nội dung nằm trong tổng thể mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ, mà còn là đòi hỏi hết sức cấp thiết, khi thế giới vẫn đang phải đối mặt với các cuộc xung đột, nội chiến và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, mà trong đó, phụ nữ và trẻ em là các nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất.
Đến nay, đã có 152 quốc gia thành viên ký kết, tham gia vào Sáng kiến Hành động vì Gìn giữ hòa bình do Tổng Thư ký Liên hợp quốc đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Các quốc gia tham gia được yêu cầu cam kết một cách hết sức cụ thể trong việc nâng cao vai trò và sự hiện diện của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Theo Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến, bắt đầu từ năm 2014, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trong chặng đường chuẩn bị và triển khai lực lượng tham gia hoạt động này, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, hơn 70 trong tổng số 512 quân nhân đã được triển khai đến phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nữ, trong đó có 9 nữ sĩ quan được triển khai theo hình thức cá nhân, 21 nữ quân nhân thuộc Đội Công binh số 1 và 45 nữ quân nhân thuộc các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam.
Liên hợp quốc biết ơn trước sự phụng sự của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ sự cảm ơn đến tất cả các cá nhân bao gồm cả phụ nữ và nam giới đến từ Việt Nam đã và đang phục vụ trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc kể từ lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng này từ năm 2014 đến nay, ở những môi trường đa dạng và khó khăn như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Abyei.
“Sự cống hiến, tính chuyên nghiệp xuất sắc của họ đối với các giá trị của Liên hợp quốc đã tạo nên sự khác biệt cho nhiều nhóm dân cư và cộng đồng dễ bị tổn thương. Liên hợp quốc biết ơn sự phụng sự này”, ông Jean-Pierre Lacroix nhấn mạnh, đồng thời cho rằng Hội nghị là minh chứng cho cam kết kiên định của Việt Nam với các mục tiêu về bình đẳng giới của Liên hợp quốc, với hơn 14% nữ sĩ quan quân đội được triển khai theo hình thức cá nhân cũng như các chiến lược và kế hoạch hành động về phụ nữ, hòa bình, an ninh và bình đẳng giới được thông qua ở cấp quốc gia và khu vực.
Ghi nhận những đóng góp lớn của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix đánh giá, Việt Nam cũng đang hiện thực hóa các cam kết đã được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Seoul (Hàn Quốc).
Khẳng định các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đóng góp quan trọng cho an ninh quốc tế, tuy nhiên ông Jean-Pierre Lacroix cũng cho rằng, hiện nay các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu chưa từng có và những yêu cầu thực hiện nhiệm vụ ngày càng đa dạng, phức tạp.
“Trong bối cảnh đó, để góp phần ngăn chặn, ứng phó với các xung đột, duy trì hòa bình bền vững, hơn bao giờ hết chúng ta cần một lực lượng cân bằng về giới, phản ánh sự đa dạng về giới cũng như sự đa dạng của các cộng đồng mà chúng ta đang phụng sự”, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix nói.
Cho rằng sự đa dạng trong quan điểm, kỹ năng khi có cả phụ nữ và nam giới trong các hoạt động sẽ giúp cải thiện cách thức thực hiện nhiệm vụ, ông Jean-Pierre Lacroix lấy ví dụ về sự đóng góp quan trọng của Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan và cho rằng, việc đưa cả phụ nữ và nam giới vào các cuộc tuần tra đã góp phần cải thiện nỗ lực xây dựng lòng tin giữa các cộng đồng sở tại.
"Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều lãnh đạo nữ và khuyến khích các quốc gia gửi các ứng viên phù hợp. Chúng tôi cũng đang nỗ lực xây dựng môi trường làm việc thuận lợi để phụ nữ khi được triển khai thực hiện nhiệm vụ có thể tham gia hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình và có môi trường làm việc tốt nhất", Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định.
Thông tin về kết quả hoạt động của các nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong 5 năm qua, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, tại các phái bộ, nữ quân nhân của Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau như quan sát viên quân sự, sĩ quan tham mưu tác chiến, sĩ quan tham mưu huấn luyện, bác sĩ, điều dưỡng… và đều được Liên hợp quốc đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, lực lượng nữ quân nhân Việt Nam cũng là điểm sáng trong nhiều hoạt động của Liên hợp quốc tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng cho biết, sau nhiệm kỳ, các nữ quân nhân Việt Nam đều trưởng thành hơn và nhãn quan sắc bén hơn. Một số nữ quân nhân đã trở thành nòng cốt trong hoạt động giảng dạy, huấn luyện, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đặc biệt, những nữ quân nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn được tin tưởng và tín nhiệm bổ nhiệm vào những vị trí cán bộ cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Hội nghị quốc tế về Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm hai phiên chính với các chủ đề: Các chính sách của Liên hợp quốc về phụ nữ và kinh nghiệm của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) về việc triển khai phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Các sáng kiến khả thi (các chương trình hỗ trợ của Liên hợp quốc và các sáng kiến của một số nước) nhằm thúc đẩy dự tham gia bền vững của phụ nữ trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đây cũng là cơ hội chia sẻ những ý kiến đóng góp chính của các quốc gia đối tác, các tổ chức quốc tế, bài học rút ra và xây dựng lộ trình tiếp theo cho việc đưa lực lượng nữ quân nhân Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đồng thời thúc đẩy, cụ thể hóa hơn nữa chủ đề Phụ nữ, Hòa bình, An ninh trong nhiệm kỳ Việt Nam cùng Nhật Bản đồng chủ trì nhóm chuyên gia về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, chu kỳ 4, giai đoạn 2021-2023, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong việc triển khai lực lượng nữ tham gia gìn giữ hòa bình và các khuyến nghị, bao gồm cả việc thiết lập mạng lưới phụ nữ gìn giữ hòa bình trong khu vực; những cam kết hỗ trợ Việt Nam thành lập Trung tâm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ (bao gồm cả nữ cảnh sát) vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc...