Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ đồng tình với dự thảo Luật trình Hội nghị chuyên trách lần này; cho rằng, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo lần này đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hơn.
Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, về việc bảo đảm thi hành án phạt tù, Khoản 3 Điều 19 dự thảo quy định: "Người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam". Theo đại biểu, việc giam giữ riêng người chưa thành niên chấp hành án phạt tù là cần thiết và nhất quán với các quy định pháp luật liên quan trong hệ thống pháp luật hiện nay.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét tính toán đến nguồn lực để thực hiện được quy định này, tránh trường hợp như hiện nay, trong một số lĩnh vực, mặc dù đã có những quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo, gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
Ngoài ra, đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: "Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú". Theo đại biểu, điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.
Về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, dự thảo Luật quy định quyền "được đảm bảo giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, vụ án". Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các thông tin bí mật cá nhân của người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng không chỉ cần được đảm bảo giữ bí mật trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án mà còn cần được đảm bảo giữ bí mật cả sau khi giải quyết vụ việc, vụ án. Vì vậy, đề nghị sửa lại Khoản 6, Điều 22 dự thảo Luật như sau: "được đảm bảo giữ bí mật cá nhân trong và sau quá trình giải quyết vụ việc, vụ án".
Dự thảo Luật quy định: Biện pháp xử lý chuyển hướng là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng và biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Làm rõ thêm nội dung các tội danh áp dụng xử lý chuyển hướng và các tội danh không áp dụng xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, theo luật hiện hành, đối tượng từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không được áp dụng xử lý chuyển hướng đối với 14 tội danh cụ thể tức là khi phạm phải 1 trong 14 tội danh này thì chỉ áp dụng hình phạt và áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng do Bộ Công an trực tiếp quản lý. "Chỉ có 2 con đường đó thì cần xem xét tính nhân văn khi thời gian tạm giam dài (tối đa 1 năm với tội rất nghiêm trọng)", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Vấn đề tiếp theo đại biểu đề cập đến là hoàn cảnh của người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Qua khảo sát ở 3 trường giáo dưỡng cho thấy, nhiều hoàn cảnh rất đáng thương như trường ở Đồng Nai có đến 64% cháu có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, ly thân hay bố mẹ đang chấp hành án... Tỷ lệ này ở Đà Nẵng là 53% và Ninh Bình là 24%. "Dù lầm lỡ nhưng ở lứa tuổi các cháu vẫn cần được Nhà nước quan tâm, có chính sách đặc biệt", đại biểu chỉ rõ.
Bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, Đảng luôn quan tâm tới trẻ em, đặc biệt Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã đặt vấn đề phát triển hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em. Việc xây dựng dự án Luật này đang thể chể hóa quan điểm đó.
Khẳng định dự thảo Luật thiết kế nhiều chính sách, nhưng theo đại biểu, quan trọng nhất là chuyển biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Bởi, nếu là biện pháp tư pháp, người chưa thành niên phạm tội sẽ phải đi hết giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, tức là có thể bị tạm giam 1 năm mới được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, ngay ở giai đoạn điều tra, nếu đủ điều kiện thì trong tháng đầu bị tạm giam, cơ quan chức năng có thể lập hồ sơ đề nghị đưa các cháu vào trường giáo dưỡng.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đánh giá, việc quy định xử lý chuyển hướng như trong dự thảo Luật thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên. Bởi ở độ tuổi dưới 18 thì cả về thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý của người chưa thành niên đều chưa phát triển toàn diện, dễ bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.
Việc xử lý chuyển hướng tạo cơ hội cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhìn nhận lại và chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm mà mình đã thực hiện, mà không để lại án tích. Vì thế giúp ngăn ngừa sự miệt thị của xã hội đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như các hậu quả bất lợi của việc bị đưa ra xử lý theo hệ thống tư pháp hình sự.