Tăng “nội lực” cho công tác dân tộc

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Uỷ ban Dân tộc đã tổ chức “Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Giàng Seo Phử, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc chủ trì Hội nghị.

 

Khơi dậy nội lực của đồng bào

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa

 

 
 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, cho biết: Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 449/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020. Chiến lược xác định rõ mục tiêu đến năm 2020: Phát triển kinh tế- xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử phát biểu.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nhấn mạnh: Hai quyết định trên là hai bản kế hoạch dài hạn 10 năm lần đầu tiên về lĩnh vực công tác dân tộc, thể hiện tính toàn diện, đồng bộ, ổn định và bền vững cho một giai đoạn phát triển của ngành, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hội nghị triển khai Chiến lược công tác Dân tộc và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc chính là thể hiện sự quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ trong Chiến lược. Hội nghị là diễn đàn chia sẻ, trao đổi giữa Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế nhằm triển khai thành công các nhiệm vụ, mục tiêu của Chiến lược.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả hai “bản kế hoạch dài hạn này”.

 

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội K’sor Phước đã có những ý kiến tâm huyết về việc triển khai chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và ghi nhận. Đồng chí K’sor Phước khẳng định trong Hiến pháp mới thông qua, nội dung về dân tộc đã thể hiện được đầy đủ tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc: Các dân tộc là anh em ruột thịt, giang sơn là giang sơn của tất cả chúng ta, nhà nước Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc anh em Việt Nam. Và thật sự đáng mừng khi tinh thần này đã được thể hiện rất đầy đủ trong “Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” cũng như “Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020”, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước với chính sách dân tộc.

 

Với tư cách là người đứng đầu Hội đồng dân tộc Quốc hội, đồng chí K’sor Phước khẳng định vai trò của Hội đồng Dân tộc Quốc hội được quy định trong Hiến pháp, thể hiện trong 3 khâu: Khâu đề xuất xây dựng chính sách, khâu giám sát xây dựng chính sách và khâu giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách. Chính vì vậy, Hội đồng Dân tộc cũng có vai trò trong việc xây dựng các chính sách của chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 cũng như các chương trình hành động, và Hội đồng Dân tộc sẽ phát huy vai trò này để góp phần tạo nên thành công của chương trình.

 

Phân tích cụ thể về 57 đề án thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’sor Phước cho biết các đề án nhìn chung đã bao quát được hầu hết các lĩnh vực như hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực công tác dân tộc, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội… Tuy nhiên, đi vào cụ thể từng lĩnh vực thì vẫn còn những nội dung thiếu. “Đơn cử như vấn đề môi trường, trong các đề án không đề cập gì tới việc bảo vệ rừng, trong khi hầu hết các vùng dân tộc có diện tích rừng là chủ yếu. Hay như vấn đề bảo tồn văn hoá cũng còn thiếu nhiều. Theo tôi, cần bổ sung những nội dung này trong các đề án triển khai”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc K'sor Phước nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa.

 

Cũng theo Chủ tịch K'sor Phước, việc triển khai chiến lược công tác dân tộc phải tạo được chuyển biến rất mạnh, khơi dậy được sự tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc- vốn là một điểm yếu nhất, kéo dài nhiều năm nay trong đồng bào dân tộc. Có vậy đồng bào mới đủ sức để tự lực vươn lên. Theo đồng chí, có một thực tế rất lạ là ngay với những vùng dân trí cao trong đồng bào dân tộc thì trình độ phát triển vẫn chưa tương xứng. Ví dụ như đồng bào 3 dân tộc ở phía Bắc là Tày, Nùng, Mường đã có những sự phát triển về mặt dân trí, về giáo dục không thua kém nhiều người Kinh, nhưng về các tiêu chí phát triển trong một cộng đồng thì vẫn còn thấp, thậm chí thấp hơn đồng bào Chăm ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Trong khi đó vùng đồng bào Chăm không có xã nào thuộc diện 135, dù cũng là vùng đất rất khó khăn. "Vấn đề ở đây chính là việc phát huy nội lực và thích ứng với môi trường sống", đồng chí K'sor Phước nói.


Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc K'sor Phước, ở đây có 3 nguyên nhân: Một là vấn đề giáo dục, hai là vấn đề về công tác cán bộ. Nói đến cộng đồng là nói đến vai trò cán bộ, song chất lượng, năng lực của cán bộ dân tộc ở phía Bắc còn yếu kém. Thứ ba là chất lượng nguồn lao động. Theo kết quả giám sát, chỉ có 3% lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 40%. "Đây thực sự là điều đáng giật mình. Rõ ràng, chúng ta mới chỉ đầu tư bề nổi, cần phải phải đi vào chiều sâu, cho đồng bào sức sống, để họ phải tự vươn lên giải phóng mình", đồng chí K'sor Phước nhấn mạnh.

 

Đồng quan điểm này, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ khẳng định: Trong số 57 đề án sẽ triển khai từ nay tới năm 2020, cần tập trung triển khai việc nâng cao trình độ của nguồn nhân lực ở khu vực đồng bào dân tộc, cụ thể là khu vực Tây Bắc. Trên thực tế hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng miền núi phía Bắc là vô cùng thiếu. Tỷ lệ cán bộ dân tộc có trình độ tiến sĩ trở lên chỉ là 1/200, nghĩa là 200 tiến sĩ mới có 1 người dân tộc. Chính vì vậy trong hơn 7.000 người có trình độ tiến sĩ trở lên ở khu vực Tây Bắc chỉ có vài chục người dân tộc. Đây là một thực tế thật sự đáng lo ngại.

 

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đồng chí Trương Xuân Cừ khẳng định phải có đề án nâng cao chất lượng giáo dục, thậm chí từ giáo dục mầm non trở lên. Đồng chí Trương Xuân Cừ phân tích: Từ những năm 2000 trở về trước, giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc con em đồng bào đều được đi học, địa phương nào cũng có trường, có lớp đầy đủ, nhưng chất lượng giáo dục thì vô cùng thấp. Có em học tới lớp 6 vẫn chưa biết đọc, lớp 2 chưa biết tiếng Việt. Chất lượng giáo dục thấp nên dẫn tới chất lượng nhân lực thấp. Đơn cử như khi triển khai chính sách cử tuyển, thì các em học sinh dân tộc được đào tạo ra khi về địa phương không đáp ứng được công việc, nên không bố trí được vào vị trí công việc nào.


Tuy nhiên, theo đồng chí Trương Xuân Cừ, để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc, Đảng và Nhà nước cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi, tăng cường chất lượng giáo dục dân tộc nội trú, bán trú, giúp cho các em có chỗ ăn, chỗ ở tốt để có thể yên tâm học tập. Ngoài ra, cũng cần thay đổi mô hình giáo dục. Mô hình giáo dục vùng dân tộc hiện có những điểm không còn phù hợp, ví như trường phổ thông dân tộc nội trú huyện vẫn đào tạo cấp II là không phù hợp. 


Cũng theo đồng chí Trương Xuân Cừ, nhà nước cần có những đề án riêng về dạy nghề trong chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Trên thực tế, sau khi triển khai chương trình 30a, cả nước đã thành lập nhiều trường dạy nghề với cơ sở vật chất rất khang trang, nhưng hiệu quả đào tạo nghề rất thấp. Nhiều học viên không muốn tham gia học nghề, bởi khi học xong cũng không thể thực hành tại địa phương, do nghề được đào tạo không phù hợp. “Thực tế này dẫn tới việc số lượng đồng bào dân tộc có nghề nghiệp ổn định, tham gia phát triển được kinh tế gia đình, địa phương… rất thấp". Chẳng hạ tỉnh Điện Biên có 500 doanh nghiệp, nhưng không có một giám đốc doanh nghiệp nào là người dân tộc. Hoặc có rất nhiều nghề có thu nhập cao, tới 40 triệu đồng/tháng, nhưng đồng bào dân tộc không đảm nhiệm được nên phải thuê thợ ở dưới xuôi lên.

 

Tăng cường vai trò của địa phương

 

Nhìn chung, gần chục ý kiến của đại diện các địa phương tham gia hội nghị đều mong muốn sớm có văn bản hướng dẫn việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 và Quyết định số 2356/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác Dân tộc đến năm 2020, để các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai. “Nếu chậm có hướng dẫn thì chương trình sẽ lâu đi vào cuộc sống”, đại diện của tỉnh Kon Tum khẳng định.

 

Theo đại diện tỉnh Kon Tum, là một trong những địa phương khó khăn nhất của khu vực Tây Nguyên, tỉnh rất mong muốn Chính phủ sẽ quan tâm bố trí đủ vốn để có thể triển khai được những chương trình mục tiêu quốc gia, những chương trình của Thủ tướng Chính phủ. Nhất trí với ý kiến này,  đại diện tỉnh Hà Giang nói thêm Uỷ ban dân tộc và các bộ ngành cần dựa trên khả năng, tiềm lực kinh tế để xây dựng, sắp xếp thứ tự ưu tiên các đề án, để những chính sách khi đã xây dựng và ban hành là có thể triển khai ngay, "tránh tình trạng ban hành nhưng không có tiềm lực thực hiện như một số đề án, chương trình hiện nay”. Cũng theo đại diện này, Chính phủ đã ban hành những đề án, chính sách cho đồng bào dân tộc rất đúng, rất trúng, nhưng để các chính sách này “đi vào cuộc sống hơn”, thiết thực hơn thì nên tăng cường vai trò của địa phương trong việc xây dựng đề án, chính sách.


Đây cũng là điều mà đại diện tỉnh Kon Tum trăn trở: “ Đơn cử như chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện nay chưa phù hợp. Tỉnh Kon Tum có 70% diện tích đât là rừng, hầu hết cư dân sống gần rừng, trong khi cơ chế, chính sách lâm nghiệm của chúng ta là chưa có bước đột phá, đồng bào sống trong rừng chưa biết làm gì để sống, để phát triển kinh tế. Do đó, trong cơ chế chính sách lâm nghiệp cần làm thế nào để tạo điều kiện cho dân sống gần rừng sống được bằng nghề rừng và làm giàu bằng nghề rừng, có thể mới giữ được rừng và mới đảm bảo được đời sống cho đồng bào”.

 

Đưa công tác dân tộc lên một tầm mới

 

Lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Những ý kiến phát biểu tại Hội nghị rất tốt, tâm huyết, thể hiện những sáng kiến, cũng như thể hiện những quan điểm sâu sắc. Đây là điều rất quan trọng, bởi không có quan điểm tốt thì không có chính sách tốt với đồng bào dân tộc.

 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “So với các vùng khác của đất nước, vùng miền núi dân tộc khó khăn quá lớn, cơ cấu, mức hưởng thụ của người dân thấp, đời sống vật chất, văn hoá… thấp kém. Đơn cử như đợt rét đậm, rét hại vừa qua, nhiều em nhỏ ở Lào Cai không có quần áo, giày dép, tôi thấy rất đau lòng. Trong vấn đề này chúng ta ban hành nhiều chính sách, nhưng nhiều chính sách ban hành thời gian qua chưa khả thi, chưa thiết thực, chưa góp phần xoá đói giảm nghèo. Để tỷ lệ đói nghèo cao như thế, rét mướt, lạc hậu như thế có trách nhiêm lớn của chúng ta”.

 

“Tết này, các địa phương cần quan tâm tới việc chăm lo tết cho đồng bào, đừng để đồng bào thiếu cơm, đứt bữa, thiếu những nhu yếu phẩm cần thiết”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


 

Phó Thủ tướng khẳng định, từ lâu nay, Đảng và Bác Hồ luôn quan tâm tới chính sách dân tộc. “Đất nước ta ¾ diện tích là miền núi, nơi đồng bào dân tộc sinh sống, đây là những người phải chịu khó khăn nhất, vì vậy lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo đất nước mà không nhớ tới đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa là chệch hướng. Chúng ta phải thấm thía hơn nữa trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc”, Phó Thủ tướng khẳng định.

 

Chính vì vậy, theo Phó Thủ tướng, việc tổ chức hội nghị để sớm triển khai chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 thật sự là một việc làm kịp thời của Uỷ ban Dân tộc. Mục tiêu của Hội nghị là quán triệt và phân công các bộ, ngành, địa phương để thực hiện cho được chiến lược về công tác dân tộc đã được Chính phủ ban hành. Chiến lược này được triển khai thực hiện trong 7 năm là một khoảng thời gian không dài. “Bảy năm mà làm được hết từng này việc, với rất nhiều đề án, mục tiêu, là một việc không phải là đơn giản. Những mục tiêu đưa ra trong chiến lược rất cụ thể, việc phân công thực hiện rất quan trọng. Phải xác định đây là việc làm của cả hệ thống chính trị, chứ không phải của riêng những người làm công tác dân tộc. Cần có sự tham gia của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bộ ngành trung ương… chứ không phải khoán trắng cho các tỉnh làm. Cũng không phải nói chuyện xã hội hoá như các hoạt động khác”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

 

Để triển khai chiến lược, theo Phó Thủ tướng, có hai nội dung quan trọng cần làm sớm, đó là vấn đề nâng cao dân trí và công tác cán bộ. “Nếu dân trí không được nâng lên, thì cuộc sống đồng bào của chúng ta cũng chưa được nâng lên. Cán bộ phải mạnh, vì cán bộ trực tiếp lãnh đạo đồng bào. Những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể có nhiều, nhưng hai mục tiêu nâng cao dân trí và công tác cán bộ phải đặt lên đầu tiên, sau mới tới vấn đề hạ tầng, y tế, giáo dục”.

 

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Cần tập trung triển khai chương trình hành động, thực hiện chính sách dân tộc một cách thiết thực, bền vững, tạo được động lực phát triển. Việc đầu tiên là phải thống nhất quan điểm, nhận thức về công tác dân tộc, từ nhận thức đó có thể lồng ghép các nhiệm vụ, các chương trình nhằm đạt được mục tiêu chiến lược công tác dân tộc đã đề ra. “Để thực hiên vấn đề này, cần đổi mới tư duy trong xây dựng chính sách, xem có thiết thực với đặc điểm đồng bào không, với vùng sâu, vùng xa không. Những người được giao xây dựng chính sách phải nghiên cứu, dự báo, tham mưu đúng đắn cho Đảng và Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Với UBDT, Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo phải xây dựng chính sách về công tác dân tộc theo trách nhiệm được giao, phải là đầu mối đôn đốc nhiệm vụ và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo thành công cho chính sách. Bên cạnh đó, phải phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế tổng kết định kỳ, tổng kết, lồng ghép… UBDT cũng cần xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn để phối hợp với các bộ ngành triển khai, nhất là các bộ chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách.

 

Với Bộ Kế hoach & Đầu tư, Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ này phải ưu tiên ngân sách, đảm bảo nguồn lực để thực hiện chiến lược, không được phép để thiếu ngân sách.

 

Với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng kế hoạch riêng của mình để triển khai, coi đó là một chiến lược phát triển của địa phương.

 

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới đồng bào dân tộc bằng nhiều hình thức như biểu dương gương người tốt, việc tốt, những người có uy tín, đồng thời phê phán những địa phương làm không tốt. “Cần tuyên tuyền các đề án, qua đó phát huy tinh thần tự lực tự cường làm giàu của đồng bào dân tộc… tạo điều kiện cho đồng bào chúng ta vươn lên”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 

 

Trọng Thuỷ- Phạm Tuyết

 
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN