Tập trung chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác truyền thông có hiệu quả, đặc biệt tuyên truyền đến từng hộ dân về việc vệ sinh tay chân bằng xà phòng diệt khuẩn cho trẻ dưới 5 tuổi, người trực tiếp chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay thường xuyên ít nhất 10 lần/ngày - đây là khuyến cáo mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, tại Hội nghị Tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng và triển khai chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại 20 tỉnh, thành phía Nam, do Bộ Y tế và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 15/8.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh tay chân miệng đã bùng phát cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam và chưa có vắcxin phòng ngừa. Tính đến tháng 8/2011, cả nước có 32.588 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 95% bệnh nhi mắc bệnh dưới 3 tuổi và đã có 81 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh và tử vong đã tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010. Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cho biết sẽ tổ chức 10 đoàn kiểm tra đến 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam, tăng cường tập huấn kỹ năng truyền thông, phòng dịch và điều trị để có những biện pháp phòng chống, phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur cho biết, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng người mắc bệnh cao nhất trong khu vực phía Nam với 7.025 ca, kế đến là Đồng Nai 3.413 ca và Đồng Tháp 2.015 ca.
Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng đã phát động Chiến dịch phòng chống bệnh sốt xuất huyết bắt đầu từ ngày 1 đến 30/9 với các hoạt động mở rộng chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy; tăng cường công tác tuyên truyền trong cộng đồng, nhà trường và huy động nguồn lực để thực hiện công tác ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trong thời gian sắp tới.
Gia Thuận