Tham dự hội thảo có trên 70 quan chức, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành về an ninh và thực thi pháp luật trên biển đến từ các nước, tổ chức tham gia ARF, các tổ chức khu vực và quốc tế cùng đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu của Việt Nam.
Tại phiên khai mạc hội thảo, thay mặt nước chủ nhà Việt Nam, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh ý nghĩa của việc tiếp tục tổ chức Hội thảo lần thứ 2 tại Việt Nam, thể hiện cam kết và quyết tâm của các nước trong việc tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt trong bối cảnh thách thức tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo đó, phía Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các biện pháp thực tế, khả thi nhằm tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật trên biển, qua đó đóng góp cho ổn định, an ninh, an toàn và tự do đi lại trên các vùng biển, cũng như an toàn cho người đi biển.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc hợp tác thực thi pháp luật trên biển, đại diện Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, nước đồng chủ trì Hội thảo, đề xuất các nước cần xem xét mục tiêu thiết lập cơ chế để bảo vệ trật tự trên biển, ứng phó hữu hiệu với các loại tội phạm xuyên quốc gia. Đại diện Ủy ban Châu Âu khẳng định quan tâm và cam kết của EU trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh ở Châu Á, với an ninh biển là một trong bốn ưu tiên.
Trao đổi tình hình hợp tác an ninh biển, nhiều kinh nghiệm, sáng kiến hay đã được chia sẻ, trong đó có kinh nghiệm phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế của lực lượng cảnh sát biển Philippines, nỗ lực cải cách quy định pháp luật của Việt Nam, sáng kiến của Malaysia lập đầu mối liên lạc chung của quốc gia về các vấn đề trên biển, kinh nghiệm của EU trong những nội dung như nâng cao nhận thức không gian biển, đào tạo và xây dựng năng lực.
Liên quan tới những thực tiễn hợp tác tốt đang được triển khai, các đại biểu ghi nhận hợp tác thực thi pháp luật trên biển đang được triển khai ở nhiều cấp, có sự phối hợp của nhiều kênh, từ khuôn khổ song phương như hợp tác giữa Australia và Indonesia nhằm ngăn ngừa đánh bắt cá trái phép, thỏa thuận hợp tác giữa cảnh sát biển Philippines và Trung Quốc, hoạt động phòng, chống tội phạm trên biển của UNODC, cũng như vai trò của trung tâm điều phối khu vực tại Sinhgapore.
Một nội dung trọng tâm tại hội thảo lần này là việc xây dựng quy tắc hướng dẫn và ứng xử chung cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Việc này có ý nghĩa cấp thiết trước sự gia tăng nhanh chóng của các lực lượng cảnh sát biển ở khu vực. Quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung sẽ giúp nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các lực lượng cảnh sát biển, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp cũng như giúp quản lý, ngăn ngừa sự cố, va chạm có thể nảy sinh. Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày về đề xuất, sáng kiến xây dựng các nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực ứng xử chung.
Trong lĩnh vực nghề cá, hội thảo ghi nhận nỗ lực của các nước trong khu vực trong đấu tranh chống các loại tội phạm liên quan tới nghề cá, trong đó có buôn bán người, ma túy, tham nhũng, trốn thuế… và trao đổi một số sáng kiến thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực nghề cá. Trong quá trình này, các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân, bảo đảm an ninh, an toàn và đối xử nhân đạo với ngư dân.
Kết quả hội thảo sẽ được báo cáo lên Cuộc họp lần thứ 11 Nhóm công tác của ARF về An ninh biển, diễn ra vào 14 - 15/3/2019 tại Đà Nẵng.
Hội thảo lần này nằm trong chuỗi hoạt động triển khai Tuyên bố ARF về Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Được thông qua năm 2016 theo sáng kiến của Việt Nam, Tuyên bố kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các thành viên ARF tăng cường hợp tác thực chất thông qua các hoạt động như chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt, tăng cường năng lực, tiếp tục các hoạt động như tuần tra chung, diễn tập chống cướp biển, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, hướng tới xây dựng quy tắc và chuẩn mực ứng xử chung… Dự kiến phía EU sẽ đăng cai Hội thảo lần thứ 3 vào đầu năm 2020.
Được thành lập từ năm 1994, Diễn đàn Khu vực ASEAN nhằm mục tiêu thúc đẩy đối thoại, hợp tác giữa các nước về những vấn đề chính trị-an ninh, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định và xây dựng lòng tin ở khu vực. Hiện tại, ARF có 27 nước và tổ chức tham gia. Trong số các nhóm công tác của ARF, Việt Nam, Australia và EU đang là đồng chủ trì Nhóm công tác chuyên trách về an ninh biển của ARF trong nhiệm kỳ 2018-2020.