Tái diễn cảnh quá tải trong ngày khai hội chùa Hương

Ngày 28/1 (tức ngày 6 tháng Giêng Nhâm Thìn), hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), một lễ hội lớn nhất trong năm đã tưng bừng khai hội giữa “nơi hương trời sắc núi, cảnh bụt bầu tiên”. Tại lễ khai hội, hòa thượng Dôsimi Dưdaichi đến từ Tôkiô (Nhật Bản) đã trao tặng chùa Hương 30 cây anh đào, trồng trong khuôn viên chùa Thiên Trù. Năm nay, đông đảo phật tử, du khách về trảy hội chùa Hương, với con số được Ban quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn ước tính lên tới trên 50.000 người. Tuy nhiên, với số lượng lớn như vậy, chùa Hương không tránh khỏi cảnh tắc nghẽn, đặc biệt trong khu vực động Hương Tích và chùa Thiên Trù. 

Khách thập phương trong lễ khai hội ngày 28/1/2012. Ảnh: Thanh Tùng- TTXVN.

Người ta cảm nhận sự quá tải ngay từ dòng xe cộ kéo dài từ thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức đổ về chùa Hương lúc trời chưa sáng tỏ, đến sự náo nhiệt của dòng suối Yến và cả bến Thiên Trù. Đỉnh điểm vào thời gian từ 9 – 10 giờ sáng, dòng người cuồn cuộn kéo đến ngày một đông khiến lối lên xuống chùa Thiên Trù không còn một khoảng trống. Du khách nào nhỡ bước đi ngược làn đường sẽ chịu trận xô đẩy, tiến thoái lưỡng nan. Nhiều người không thể vào làm lễ trong chùa, đành đứng bái vọng từ sân vào, nhờ đức Phật chứng giám lòng thành. Nếu các năm trước đây, chùa Hương thu hút rất đông cụ già hành hương về lễ Phật nhưng các mùa lễ hội gần đây, khi lượng người ngày một tăng thì sức ép đó không phù hợp với những người tuổi cao sức yếu. Đông không kém là khu vực nhà ga cáp treo với những dòng người xếp dài dằng dằng, chờ lên được cabin với con số tới cả nghìn người. Người ta chờ đợi hàng giờ đồng hồ với sự kiên nhẫn bởi không muốn mất nhiều thời gian và công sức để bộ hành trên con đường mòn gồ ghề sỏi đá và dốc ngược dốc xuôi. Chị Nguyễn Thị Hoa, đến từ huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình thở phào khi vừa thoát ra khỏi đám đông: “Tôi đợi hơn một tiếng đồng hồ rồi đấy. Thôi thì cũng may vì có công đến sớm”. Khi chúng tôi tới động Hương Tích mới tận mắt chứng kiến cảnh quá tải với dòng chen chúc trước cửa vào động và lâu lâu mới nhích lên một bước. Người vào không vào được còn người ra cũng không ra nổi, còn bà con hành lễ bên trong đành cầu nguyện từ xa và người nọ đành vái sau lưng người kia. Trong khi đấy từng đoàn người vẫn tiến về động Hương Tích, vẫn muốn Phật bà Quan tâm chứng giám và rủ lòng thương đến mình. Một khách hành hương than thở: “Hạ tầng chỉ như thế, không thể mở rộng được còn người đi lễ ngày một tăng, nên tránh sao khỏi quá tải”. Những ai đã đi hội nhiều lần đều rút cho mình kinh nghiệm: đi lễ giữa hoặc cuối mùa hội cho khỏi đông. Còn những ngày này, nếu có hỏi thì đa phần người đi lễ đều trả lời không tìm được sự thư thái để vãn cảnh hay toàn tâm lễ Phật. Ngay cả anh lái đò tên là Hậu cũng khẳng định: “Người đi lễ cũng muốn đi nhanh cho khỏi đông, lái đò chúng tôi cũng muốn nhanh cho được nhiều chuyến, thế thì làm sao có được sự thư thái để vãng cảnh, lễ Phật khi đi hội”. 

Biển người trong ngày khai hội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN.

Mùa lễ hội năm 2012, huyện Mỹ Đức đã tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội chùa Hương nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan lễ hội, tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. Theo đó, huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật tạo môi trường văn hóa lành mạnh, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan…Tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Hậu cũng kêu gọi nhân dân và du khách xây dựng lễ hội chùa Hương là một lễ hội văn hóa đẹp. Tuy vậy, tình trạng cúng bái không đúng với nghi lễ đạo Phật vẫn diễn ra, ít nhiều ảnh hưởng tới hình ảnh của lễ hội. Bởi không khó gì để tìm thấy những mâm cúng đồ mặn như xôi gà, thịt để đưa vào lễ Phật kèm đồ vàng mã; trong khi đó lễ Phật phải là hương hoa quả chay. Cúng lễ đồ mặn xong, người ta có thể bày ra bất cứ chỗ nào dọc đường đi để thụ lộc, gây phản cảm cho khách tham quan. Bà Trương Thị Cúc, phòng 202 khu tập thể Bệnh viện Nam Thăng Long, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liềm chứng kiến tình trạng đó và cho rằng: “Đó là sự mê tín không đáng có, bởi ai cũng hiểu đạo Phật không cúng đồ mặn và đốt vàng mã”. Nhất là khu vực chùa Giải Oan vẫn còn tình trạng thả tiền của khách thập phương và người ta mê tín tới độ sân ga cáp treo gần chùa Giải Oan cũng được dải vô vàn tiền lẻ. Trước thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng ban Văn hóa Xã Hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng: “Tình trạng thả tiền ở khu vực chùa Giải Oan là thói quen không tốt của khách, đã có từ rất lâu. Muốn ngăn chặn việc làm mê tín này, Ban tổ chức cần thực hiện nhiều giải pháp để vận động, ngăn chặn để lành mạnh hóa lễ hội”. 

Ngoài ra, tình trạng bán thịt thú rừng “nhái” vẫn diễn ngang nhiên tại khu vực bến Thiên Trù, trước cửa chùa Thiên Trù và trên đường vào động Hương Tích, “phớt lờ” quy định cấm bán mặt hàng này của Ban tổ chức lễ hội. 

Mỗi mùa lễ hội, chùa Hương đón khoảng 1,5 triệu lượt khách; vượt quá các điều kiện phục vụ từ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, vệ sinh môi trường, phương tiện vận chuyển… Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền sở tại, các Phật tử và du khách vẫn mong muốn huyện Mỹ Đức có những giải pháp để quản lý lễ hội chùa Hương tốt hơn để đất Phật không nhuốm xô bồ của trần tục, xứng với sự linh thiêng vốn có của nó.

Đinh Thị Thuận

Hàng ngàn người trẩy hội chùa Hương
Hàng ngàn người trẩy hội chùa Hương

Sáng ngày 28/1 (tức mùng 6 tháng giêng), chùa Hương chính thức khai hội thu hút hàng nghìn lượt khách. Năm nay, Ban tổ chức đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để mùa lễ hội năm nay xanh sạch, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN