Đại biểu lo ngại về ô nhiễm nguồn nước
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) bày tỏ lo ngại về ô nhiễm nguồn nước. Đại biểu dẫn ghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa về ô nhiễm nguồn nước, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. Mối đe dọa chính là tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035.
"Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030 nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Do đó, việc quy định đồng bộ với một số luật chuyên ngành về quy hoạch, bảo vệ môi trường, đầu tư…rất quan trọng để đảm bảo nguồn nước khai thác, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, tránh thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng công trình khai thác, sử dụng nước và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đang khai thác, sử dụng nguồn nước", đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ các quy định có liên quan đến các khoản thuế, phí, lệ phí hiện hành để tạo nguồn thu cũng như nguồn lực thực hiện hoạt động quản trị tài nguyên nước từ ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho việc huy động nguồn thu dịch vụ, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân. Đại biểu đồng tình với những chính sách trong dự thảo Luật về xã hội hoá ngành nước để nước có giá chứ không còn “rẻ như cho”, từ đó khuyến khích sử dụng nước có trách nhiệm, tiết kiệm, hiệu quả.
“Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước là những hoạt động quan trọng để bảo đảm an ninh nguồn nước, phát triển bền vững, tích trữ, phục hồi tài nguyên nước”, đại biểu đoàn Điện Biên cho hay.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nước phải là một ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý Nhà nước. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Luật mới quy định tài nguyên nước gồm nước dưới đất, nước mặt, nước mưa và nước biển, tuy nhiên không có quy định nước thải. Trên thế giới ngày nay nước thải là một tài nguyên và nguồn nước ngày càng cạn kiệt mà trong luật cũng đặt ra vấn đề tái sử dụng chính là nước thải.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vấn đề tài nguyên nước của chúng ta đang đối mặt với vấn đề sử dụng lãng phí, khai thác quá mức, ô nhiễm nghiêm trọng cần đặt ra để giải quyết trong Dự thảo Luật. Trong khi đó, không tái tạo sử dụng lại nhiều dẫn tới việc lãng phí thất thoát có tài liệu thống kê ở nước ta từ 37 – 50%.
"Nước không phải thứ trời cho không mà là tài sản, hàng hóa có giá trị và ngày càng có giá trị. Nhà nước phải điều tiết nước như điều tiết điện. Nước là hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải trả tiền và tài nguyên nước phải là một ngành kinh tế chứ không chỉ là quản lý Nhà nước. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo Luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Còn đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, trong thời gian qua thực hiện Luật Tài nguyên nước còn có một số chồng chéo giữa các luật gây khó khăn trong quản lý, sử dụng, khai thác đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, về quy định dòng chảy tối thiểu trên sông, cuối hạ lưu hồ chứa, đập dâng là một trong những căn cứ xem xét quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt các nhiệm vụ. Tuy nhiên qua rà soát, việc xác định dòng chảy tối thiểu phải làm trước quá trình thẩm định, quyết định phê duyệt song dự thảo cũng không có quy định thời gian nào phải làm, phải xong, phải công bố cũng như các phương pháp, công cụ tiêu chuẩn liên quan đến xác định dòng chảy ở mức bao nhiêu là thấp nhất đối với sông, suối liên quốc gia liên tỉnh, nội tỉnh hồ chứa.
“Nếu không có hoặc chưa xác định được thì liệu quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tỉnh cũng như nhiều quy hoạch khác có được phê duyệt hay không. Do đó, ban soạn thảo cần rà soát cân nhắc quy định này phù hợp thực tiễn”, đại biểu nêu.
Xu hướng sắp tới sẽ quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số
Tân Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng, Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tổng kết Luật Tài nguyên nước 2012. So với Luật 2012, Dự thảo Luật giữ nguyên 9 điều, sửa đổi bổ sung 59 điều, bổ sung 15 điều, bãi bỏ 13 điều như vậy cơ bản đã sửa đổi so với luật cũ.
Vấn đề đặt ra ở nước ta là mùa nắng thì thiếu nước, mùa mưa thì lụt lội vì nguồn nước không có sự ổn định giữa các mùa, do đó bài toán đặt ra là cần sử dụng, giữ nguồn nước, các công trình thuỷ lợi cho hợp lý. Bộ trưởng nêu rõ quan điểm nước là hàng hóa, tài sản quý giá của đất nước và chúng ta phải bảo vệ và sử dụng, điều tiết một cách hài hòa, hợp lý.
Trước ý kiến các Đại biểu Quốc hội về làm thế nào để khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững nhất, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, đầy trên quan điểm hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, từ đó thống nhất, đảm bảo minh bạch để khai thác khai thác tối đa nguồn lực của tài nguyên nước.
“Cùng với đó, cần đảm bảo an ninh nguồn nước vì chúng ta chủ yếu là nguồn nước chảy vào vậy vấn đề đặt ra là giữ nước như thế nào, tạo sinh thủy ra sao. Mưa mà chúng ta không có các công trình thủy lợi thì chúng ta không giữ được nước để chảy ra biển hết, nhưng nắng lên thì không có nước để dùng”, Bộ trưởng nói. Theo Bộ trưởng những việc đó sau khi Luật có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các việc liên quan tới giữ gìn, bảo vệ nguồn nước để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Một vấn đề đặt ra theo Bộ trưởng là kiểm soát, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nước. Hiện nay, nhiều dự án đã sử dụng xử lý tuần hoàn gần như không có nước thải, nên cần những hệ thống xử lý nước thải để đảm bảo vừa kiểm soát ô nhiễm mà sử dụng nguồn nước hợp lý. Trong Dự án Luật phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và công trình khai thác của Trung ương, địa phương tránh xung đột, tạo thành hệ thống đồng bộ từ quản lý, sử dụng và khai thác tài nguyên nước.
Một trong vấn đề quản lý nguồn nước, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng xu hướng sắp tới sẽ quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số. Muốn quản lý tốt thì cần phải có số liệu, dữ liệu, điều này sẽ giảm quản lý vận hành, điều tiết nguồn nước có sự khoa học, sử dụng hiệu quả nguồn nước, trên cơ sở đó sẽ ban hành các chính sách phù hợp. Do đó, việc áp dụng khoa học công nghệ sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
“Với trách nhiệm cơ quan soạn thảo Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội trên tinh thần cầu thị nhất, ghi nhận những những hạn, chế tồn tại của các đại biểu chỉ ra từ đó hoàn thiện chính sách để đạt được mục đích cao nhất là tài nguyên nước trở thành tài nguyên quý giá của đất nước”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định.