Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy về vấn đề này.
Bối cảnh hiện tại đặt ra những thách thức gì đối với việc hoàn thiện hành lang pháp lý về khoa học và công nghệ, thưa Thứ trưởng?
Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã cập nhật những thách thức và xu hướng mới, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ nhằm thúc đẩy khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, bối cảnh thế giới đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, cũng như sự bùng nổ của công nghệ số. Cùng với đó, khái niệm "nghiên cứu, phát triển" đã dần được thay thế bằng "nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo".
Cũng trong hơn 10 năm qua, các văn kiện định hướng chỉ đạo của Đảng đã nhiều lần đề cập đến phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này càng khẳng định "khoa học và công nghệ" thực sự là quốc sách hàng đầu; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ với sự đóng góp quan trọng từ doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Để doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển, việc đầu tư vào khoa học và công nghệ là cần thiết. Các nội dung trên cần được thể chế hóa kịp thời.
Với xu thế này, Luật Khoa học và Công nghệ cần được sửa đổi để tăng cường huy động nguồn đầu tư, sự quan tâm và nguồn nhân lực từ khu vực doanh nghiệp cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, để theo kịp xu thế chung của thế giới.
Luật Khoa học và Công nghệ 2013 được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các quy định về đổi mới sáng tạo đã được đề cập trong một số luật hiện hành như Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và Luật Chuyển giao công nghệ. Vậy, dự thảo luật mới sẽ quy định về nội dung đổi mới sáng tạo như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Khái niệm đổi mới sáng tạo đã được định nghĩa trong Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và cũng xuất hiện trong một số luật khác. Tuy nhiên, nội hàm đầy đủ của đổi mới sáng tạo cùng các thành tố liên quan vẫn chưa được quy định rõ ràng trong bất kỳ văn bản pháp luật nào. Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác.
Trên thế giới đã hình thành một phong trào về đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc phát triển các khái niệm như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ thống đổi mới sáng tạo ngành và các mô hình kết nối khác. Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.
Dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi lần này dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các luật khác, như Luật Thuế, Luật Đất đai, bằng cách cung cấp các ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Con người đóng vai trò then chốt và quyết định sự thành công của quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Vậy, dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ đưa ra những giải pháp như thế nào để tăng cường nguồn nhân lực nghiên cứu và phát triển, nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược này, thưa Thứ trưởng?
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, để phát triển dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, số lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển cần đạt khoảng 12 người/một vạn dân. Để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu phát triển cũng như nâng cao mức đầu tư xã hội, cần phải thực hiện các cải cách toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển vào trong Luật.
Để tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, các quốc gia phát triển đã tìm cách nâng cao tỷ lệ đầu tư từ xã hội. Thông thường, tỷ lệ đầu tư từ nhà nước sẽ giảm từ mức 100% xuống còn khoảng 30%, trong khi tỷ lệ đầu tư từ xã hội sẽ tăng lên khoảng 70%. Trong dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi chúng tôi dự kiến trình Chính phủ và sau đó trình Quốc hội đặt mục tiêu tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/một vạn dân. Giải pháp là theo mô hình các quốc gia đã thực hiện, nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học và công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính, việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không thể kỳ vọng rằng doanh nghiệp sẽ ngay lập tức đầu tư vào khoa học và công nghệ bởi đầu tư vào khoa học và công nghệ thường mang tính rủi ro và không ngay lập tức đem lại lợi nhuận, trong khi mục tiêu chính của doanh nghiệp là đạt được lợi nhuận và duy trì sự tồn tại. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, ngoại trừ một số tập đoàn lớn, chưa có động lực hoặc sự sẵn sàng để đầu tư vào khoa học và công nghệ do lo ngại lợi ích từ đầu tư này sẽ chỉ thu được trong một khoảng thời gian dài, chứ không phải ngay lập tức.
Vì vậy, dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi cần có những chính sách tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội. Trước tiên, Nhà nước sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và kết nối các trường đại học với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần thiết lập các cơ chế khuyến khích như ưu đãi thuế và giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn đầu khó khăn. Tôi cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng cường số lượng cán bộ nghiên cứu và nguồn đầu tư xã hội, Luật Khoa học và Công nghệ cần được sửa đổi toàn diện, bao gồm việc tích hợp các hoạt động nghiên cứu và phát triển của toàn xã hội vào trong Luật, không chỉ dựa vào các quy định hiện tại.
Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm và viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Vậy, những chính sách nào sẽ được đề xuất trong Luật sửa đổi sắp tới để hỗ trợ các đối tượng này?
Trong các đề xuất sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, chúng tôi đã đưa ra một nhóm chính sách và vấn đề mới. Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học. Đồng thời, cần xây dựng các trung tâm xuất sắc về khoa học và công nghệ, kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu và đào tạo.
Chúng tôi rất mong muốn đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học ra khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Giống như ở các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học. Việt Nam hiện đang khuyến khích thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Ngoài vấn đề về quỹ, cơ chế đầu tư tài chính cho khoa học và công nghệ hiện còn nhiều bất cập và chưa phù hợp giữa quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với pháp luật về tài chính, bao gồm các lĩnh vực như đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công. Vậy, Bộ đã đề xuất những giải pháp gì để giải quyết các bất cập này?
Việc đầu tiên cần giải quyết là làm thế nào để đồng bộ các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các chính sách tài chính hiện có nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này. Ngoài ra, khi đã có đầu tư và nguồn lực, cần phải sử dụng một cách hiệu quả, thông thoáng và nhanh chóng. Để đạt được điều này, ngành Khoa học và Công nghệ cần sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính... Mục tiêu là để công khai, minh bạch, từ đó chọn lựa những đề tài và nhiệm vụ tốt nhất một cách nhanh chóng và thuận lợi.
Thêm vào đó, cần phải điều chỉnh các quy định về mua sắm và đấu thầu khi sử dụng kinh phí đầu tư cho công nghệ, bao gồm cả kinh phí đầu tư công của Nhà nước và kinh phí của doanh nghiệp. Điều này sẽ khuyến khích các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, cần thiết phải nghiên cứu các vấn đề mới, công nghệ lõi; thậm chí mua các kết quả nghiên cứu và sáng chế từ nước ngoài, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp để họ có thể sử dụng và phát triển.
Một vấn đề quan trọng khác là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua các biện pháp cụ thể. Để làm được điều đó, trước tiên, cần tập huấn và đào tạo nhân lực về chuyển giao công nghệ và đổi mới công nghệ. Đồng thời, cần đưa các nhà khoa học vào doanh nghiệp để hỗ trợ và nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Khi cải tiến được máy móc, họ sẽ có khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.