Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII:

Sửa đổi Hiến pháp 1992 để đáp ứng yêu cầu mới

Trong những ngày qua, Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước. Tại các phiên thảo luận ở tổ và hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề, như quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp. Làm rõ hơn vị trí của các cơ quan trong bộ máy nhà nước như Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra và có quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Cử tri trong cả nước đã có những ý kiến tâm huyết gửi tới Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này.

 

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Khẳng định quyền con người và quyền công dân


Cử tri Lê Quốc Trung, Phó Chánh văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ cho rằng: Hiến pháp năm 1992 cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới. Trên cơ sở thống nhất cao việc sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Lê Quốc Trung có quan điểm, trong hiến pháp trước tiên nên khẳng định lại quyền con người và quyền công dân được Nhà nước đặc biệt bảo vệ. Phải xác định rõ “công dân Việt Nam” gồm những ai, để đi đến nguyên tắc chung: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, quyền không tách rời nghĩa vụ của công dân, đồng thời phù hợp với bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm cơ bản này từ năm 1945.


Cử tri Trần Trọng Sơn, cán bộ tư pháp hưu trí đề nghị không nên sắp xếp gộp Chương II và Chương III của Hiến pháp hiện hành thành Chương Kinh tế, Văn hóa, Giáo dục, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, mà nên giữ nguyên Chương về “Chế độ kinh tế” như trong Hiến pháp 1992 do tính chất quan trọng của nền kinh tế. Cử tri cho rằng nên sắp xếp các điều luật khác theo thứ tự nhóm về quyền tự do đặt trước các quyền khác của con người; Điều 50 nên sửa đổi đoạn cuối, thay cụm từ “…Hiến pháp và pháp luật” bằng từ “luật định” sẽ mang tính khái quát cao hơn, chặt chẽ hơn. Điều 55, khoản 2, không nên nêu cụ thể tên gọi của các thành phần kinh tế mà nên gọi chung là “nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN”…


Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Nguyễn Trọng Khiết cho rằng cần phải khẳng định những thành tựu mà Hiến pháp 1992 mang lại, đã thể hiện tính đúng đắn, tạo cơ sở cho sự ra đời các bộ luật, góp phần cho quá trình đổi mới của đất nước, tạo điều kiện để phát huy dân chủ.


Việc sửa đổi cần dựa trên cơ sở tổng kết Hiến pháp 1992, để qua đó kế thừa những ưu điểm được khẳng định, được kiểm chứng bằng thực tiễn; nội dung nào chưa phù hợp, thiếu thì sửa đổi, bổ sung. Đồng thời sửa đổi Hiến pháp 1992 phải đảm bảo yêu cầu sự lãnh đạo của Đảng. Theo cử tri, về việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp cần tiến hành nhiều hình thức, trực tiếp và gián tiếp. Với giới khoa học cần tổ chức các hội nghị, hội thảo; với cán bộ, đảng viên có thể góp ý bằng văn bản; đối với các tầng lớp nhân dân cần có nhiều cách để đạt cả hai yêu cầu, vừa là dịp để nhân dân nhận thức rõ hơn, biết nhiều hơn về nội dung Hiến pháp, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến.


Nội dung Hiến pháp cần ngắn gọn, súc tích


Cử tri Nguyễn Khắc Bằng, cựu chiến binh thôn Hợp Thành, xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tâm đắc với những ý kiến của các đại biểu và thấy rằng việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; nội dung Hiến pháp cần ngắn gọn, súc tích để người dân dễ hiểu. Trên cơ sở tán thành với những sửa đổi về nội dung liên quan đến nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quốc phòng an ninh như trong dự thảo, đã đảm bảo tính kế thừa nội dung Hiến pháp năm 1992. Cử tri đánh giá dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung những nội dung mới, quan trọng như cụ thể hóa quyền của Chủ tịch nước với tư cách thống lĩnh lực lượng vũ trang. Còn với ông Nguyễn Hữu Hoa, cán bộ tuyên giáo, tổ 10, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang cho rằng: Phiên thảo luận của các đại biểu đã thể hiện được tinh thần thẳng thắn, dân chủ ngày càng được củng cố và được tôn trọng; cách đặt vấn đề của các đại biểu chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu. Tuy nhiên, trong phần mở đầu của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã lược bỏ đi một số cụm từ quan trọng, thể hiện bản chất của chế độ Nhà nước, cử tri mong muốn Quốc hội xem xét lại điều này.


Theo luật gia Trần Thành, phường Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng thì dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần được nghiên cứu một cách toàn diện, thể hiện được ý chí của chủ thể Hiến pháp và phải đảm bảo sự tham gia góp ý kiến của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế mới. Luật gia Trần Thành nhận xét: Lời nói đầu của Hiến pháp 1992 chưa thể hiện rõ và khẳng định quyền lực của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Hiến pháp. Luật gia cho rằng Lời nói đầu cần được rút gọn cho cô đọng, súc tích, khẳng định rõ quyền lực của nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Hiến pháp.


Sỹ quan quân đội Nguyễn Văn Phùng, hội viên Hội cựu chiến binh Hải Phòng cho biết: Việc sửa đổi Hiến pháp tiếp tục làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp được chuẩn bị công phu tỉ mỉ, đã khái quát cô đọng nhiều vấn đề quan trọng, vừa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, vừa là tất yếu khách quan…


Làm rõ hơn về các thành phần kinh tế


Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều cho rằng: Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992 đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định mục tiêu định hướng phát triển toàn diện bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, cần phải sửa Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm tốt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Xây dựng và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.


Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nêu: Về các thành phần kinh tế, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định nền kinh tế gồm có 4 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Ông Thụ đề nghị xem xét lại thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Bởi vì điểm thứ nhất, điểm cốt lõi tiêu chí quan trọng nhất để phân định các thành phần kinh tế đó là chế độ sở hữu tương ứng với một hình thức sở hữu có một thành phần kinh tế với tiêu chí đó chúng ta có kinh tế nhà nước, chúng ta có kinh tế tập thể và các hình thức kinh tế hợp tác. “Chúng ta có kinh tế tư nhân nhưng việc phân định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không tuân thủ theo nguyên tắc đó mà lại dựa trên phạm vi địa lý không gian giữa trong nước và nước ngoài thì việc phân định này không nhất quán về mặt tiêu chí. Về bản chất thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đây là kinh tế tư nhân vì vậy việc quy định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vô hình chung trùng lặp với thành phần kinh tế tư nhân đã được quy định. Hiện tại chính sách của Đảng và nhà nước ta đối với thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được đối xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Vì vậy tôi đề nghị không nên quy định thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong Điều 55 của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi”, đại biểu Bùi Đức Thụ phát biểu.


Cùng chung quan điểm này, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cho rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này trong điều kiện đất nước đã có những bước ngoặt lịch sử mới. Dự thảo Hiến pháp đã thể hiện nhiều tư tưởng pháp luật đổi mới một cách căn bản, thể hiện nhất quán những điều được khẳng định trong Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011 và khắc phục một cách căn bản những bất cập do hoàn cảnh lịch sử có nhiều thay đổi lớn của Hiến pháp năm 1992. Nếu như khi xây dựng Hiến pháp năm 1992, chúng ta mới bắt đầu chập chững vào kinh thế thị trường và tìm hướng đi khẳng định những nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì sửa đổi Hiến pháp lần này khẳng định kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là sự hội nhập hoàn toàn của đất nước ta vào đời sống quốc tế.

 

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long).
Ảnh: Thống Nhất -TTXVN


Góp ý về lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nêu: “Khoản 2, Điều 55 quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Ghi như vậy là đủ, còn tiếp theo đoạn: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố phát triển, kinh tế tư nhân là một trong những động lực kinh tế, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển... Tôi cho rằng đoạn này vừa thừa và vừa không đúng bởi nếu kinh tế tư nhân là động lực phát triển vậy thì kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã có phải là động lực phát triển không, cho nên cách thức quy định trong Hiến pháp vừa thừa, vừa thiếu, nó không bảo đảm tính khái quát. Tôi đề nghị Ủy ban sửa đổi Hiến pháp và Ban soạn thảo cần phải đảm bảo tính khái quát để dự thảo Hiến pháp có thể tồn tại được lâu và chúng ta không phải bổ sung theo định chế mang tính chất chiến lược”.

 

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội).
Ảnh: An Đăng – TTXVN


Một nhà nước thống nhất


Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Chúng ta xây dựng nhà nước đơn nhất, quyền lực chính trị được thiết lập trên một cộng đồng dân cư ổn định và một lãnh thổ ổn định, 3 yếu tố đó được gọi là quốc gia. Quyền lực của nhà nước chúng ta từ khi lập quốc đến giờ chúng ta xây dựng một nhà nước đơn nhất. Quyền lực nhà nước được thể hiện qua các định chế chính trị mà Hiến pháp quy định đó là Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Viện kiểm sát, Tòa án. Trong một nhà nước đơn nhất không có nhà nước trung ương, nhà nước địa phương, chúng ta phải khẳng định điều đó. Tôi đề nghị ngay trong Điều 1 Hiến pháp ghi rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước đơn nhất, không có chuyện liên bang hay tự trị ở đây. Từ đó nhà nước sẽ thể hiện quyền lực ở một địa bàn lãnh thổ ở tỉnh như thế nào là thể hiện qua chính quyền địa phương, qua hoạt động tòa án, qua viện kiểm sát, không phải có quyền lực nhà nước ở đó nữa. Chúng ta hiểu nhà nước phải như vậy, chúng ta làm rõ điều đó mới thiết kế được chính quyền địa phương là gì, địa vị pháp lý đến đâu. Chúng ta hiểu rằng chính quyền địa phương cơ bản là nằm trong hệ thống hành pháp, có một số quyền ở đó mới thể hiện được cái gì thực hiện hệ thống pháp luật trên địa bàn, cái gì là bảo đảm lợi ích của địa phương trong khuôn khổ không trái với lợi ích quốc gia”.


Đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) cũng cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng thể hiện tư tưởng kiểm soát quyền lực nêu trên, đó là đã xác định rõ ràng các cơ quan lập pháp Quốc hội, hành pháp Chính phủ và tư pháp Tòa án. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, của Chính phủ, của Chủ tịch nước, của Tòa án và phần nào đã thể hiện được cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp ở trong dự thảo.


Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Độ thì trong dự thảo cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực được thể hiện chưa đầy đủ, chưa triệt để so với các cơ chế phân công và phối hợp quyền lực. Để có cơ chế kiểm soát trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn làm cơ sở hiến định cho việc ban hành các Luật Tổ chức bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

 

Nguyễn Viết Tôn (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN